|
Đồng euro ngược chiều đi xuống tại châu Á trong phiên 8/8, sau khi tăng giá trong mấy phiên giao dịch gần đây, chủ yếu nhờ những đồn đoán về khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ và châu Âu.
Chiều cùng ngày tại Tokyo, đồng tiền chung châu Âu đổi được 1,2392 USD và 97,30 yen Nhật, thấp hơn các mức tương ứng 1,2401 USD và 97,37 yen đêm trước tại New York. Đồng USD được giao dịch ở mức 78,53 yen đổi 1 USD, thấp hơn so với 78,59 yen trước đó.
Về việc đồng USD giảm giá so với yen Nhật, Ngân hàng Quốc gia Australia nhận định rằng tâm lý ưa rủi ro vẫn còn khá mạnh trên thị trường tiền tệ và điều này khiến đồng USD chịu sức ép xuống giá.
Các thị trường đang chịu sự chi phối bởi những đồn đoán ngày càng nhiều về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ áp dụng thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ.
Niềm hy vọng về nới lỏng định lượng được củng cố sau bình luận của người đứng đầu chi nhánh tại Boston của FED, ông Eric Rosengren, rằng FED cần tiếp tục triển khai một chương trình mua trái phiếu nữa để giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi. Ông Rosengren là thành viên Ủy ban hoạch định chính sách thuộc FED.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 8/8 bắt đầu nhóm họp chính sách hai ngày, trong bối cảnh Tokyo ngày càng tỏ ra quan ngại về giá trị cao của đồng yen và bóng gió về một đợt can thiệp khác nhằm kiềm chế đà tăng giá của đồng nội tệ.
Giới kinh doanh cho rằng đồng USD sẽ tăng giá nếu Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập ở Nhật Bản, mới đây đã đồng ý hậu thuẫn Thủ tướng Yoshihiko Noda về dự luật tăng thuế tiêu dùng, tiếp tục ủng hộ dự luật tại vòng bỏ phiếu ở Thượng viện.
Trong phiên 8/8, đồng USD tăng giá so với đồng dolar Singapore, won Hàn Quốc và baht Thái, song lại giảm giá so với đồng rupee Ấn Độ và peso Philippines.
Theo Vinanet
|