2011 tiếp tục đánh dấu một năm đầy sôi động cho hoạt động mua
bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam. Tổng giá trị các thương vụ
đã hoàn thành đạt 2,67 tỷ USD, cao hơn gấp 1,5 lần năm 2010, với nhiều thương vụ
lớn.
So với những năm trước, các thương vụ M&A của năm 2011 nổi
lên với nhiều điểm khác biệt như: M&A có yếu tố nước ngoài vẫn là phổ biến,
trong đó dòng tiền chủ yếu đến từ Nhật Bản; hàng tiêu dùng, tài chính và bất động
sản là các ngành có giá trị thương vụ chuyển nhượng cao nhất; giao dịch M&A
đã xuất hiện nhiều khoản đầu tư do các quỹ thoái vốn; hoạt động tái cấu trúc
các tập đoàn của Việt Nam tương đối sôi động...
Khối ngoại là chủ thể
Xét về chủ thể tham gia M&A, trong tổng số 2,67 tỷ USD
giá trị các thương vụ hoàn thành trong năm 2011 tại Việt Nam thì tổng giá trị
các thương vụ từ các tập đoàn nước ngoài đầu tư vẫn chiếm tỷ trọng khá cao,
81,3%.
Có thể kể ra ba thương vụ lớn nhất như: Pokphand Trung Quốc
tham gia vào thị trường Việt Nam bằng việc mua 70,8% Công ty Cổ phần Chăn nuôi
C.P Việt Nam; Tập đoàn Viễn thông VinpelCom của Nga tăng tỷ lệ sở hữu trong
liên doanh Gtel-Mobile lên 49% và IFC mua 10% của Vietinbank.
Cũng trong năm 2011, các tập đoàn từ Nhật Bản có đóng góp nhiều
nhất vào dòng tiền M&A cho thị trường Việt Nam. Tổng giá trị thương vụ lên
đến 236 triệu USD với các thương vụ như SBI - FPTS: 25 triệu USD; Nikko Cordial
- PSI: 6,9 triệu USD trong lĩnh vực tài chính, Japan Asia Vietnam mua lại tòa
nhà Centre Point tại Tp.HCM trong lĩnh vực bất động sản, Unicharm mua toàn bộ
Diana Việt Nam giá 128 triệu USD trong lĩnh vực hàng tiêu dùng...
Một điều đáng chú ý là giao dịch M&A năm 2011 đã xuất hiện
nhiều khoản đầu tư do các quỹ thoái vốn, trong đó phải kể đến việc quỹ Vietnam
Opportunity Fund (VOF) của Vinacapital bán 24,9% cổ phần tại Halico cho Tập
đoàn đồ uống Diageo và bán 24% của Tập đoàn Hoàn Mỹ cho Fortis của Ấn Độ,
Dragon Capital chuyển nhượng 6,6% cổ phần tại Sacombank sau 10 năm đầu tư vào
ngân hàng này.
Đây là xu hướng được dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2012 và
các năm tiếp theo khi mà các quỹ đã hết hạn sau khoảng thời gian 5 năm hoạt động
tại Việt Nam. Với việc cho phép chuyển các quỹ đầu tư từ dạng đóng sang dạng mở,
việc thoái vốn của các quỹ đầu tư trong năm 2012 sẽ còn thuận lợi hơn.
Tâm điểm tiêu dùng, ngân hàng và bất động sản
Trong số các thương vụ M&A thực hiện trong năm 2011, các
doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng, ngân hàng và bất động sản trở nên “đắt hàng”
nhất.
Bên cạnh ngành hàng tiêu dùng có giá trị lớn nhất, trên 1 tỷ
USD, các thương vụ M&A liên quan đến các ngân hàng, công ty chứng khoán
IFC/Vietinbank, IFC/An Binh Bank; LienVietBank/VPSC; PVI/Tanlax và các thương vụ
công ty chứng khoán gồm: SBI/FPTS, Nikko Cordial/PSI, Xuan Thanh Group/Vincom
Securities, MaritimeBank/Standard Securities, KIS/EPS Securities, CitiGroup/Horizon
Securities... đã tạo nên sự sôi động nhất trong ngành tài chính của Việt Nam.
Riêng với bất động sản, chính những khó khăn trong năm 2011
khiến cho hoạt động M&A trong lĩnh vực này diễn ra tương đối sôi động. Các
giao dịch thống kê được trong năm 2011 cho thấy tổng giá trị các thương vụ đạt
khoảng 250 triệu USD, trong đó còn nhiều giao dịch khác đã diễn ra nhưng không
được công bố, chủ yếu là đối tác trong nước bán cho các nhà đầu tư nước ngoài
như: CapitaLand thông qua các công ty con mua dự án tại Q.2, Tp.HCM của Khang
Dien SaiGon SJC (49 triệu USD), tại Bình Chánh, Tp.HCM của Quoc Cuong SaiGon
JSC (7.3 triệu USD); dự án Somerset Central TD, Hải Phòng của Thuy Duong
Investment JSC ...
Tái cấu trúc qua M&A
Trong năm 2011, thị trường Việt Nam chứng kiến nhiều doanh
nghiệp trong nước thực hiện tái cấu trúc thông qua hoạt động M&A. Có thể kể
ra các thương vụ tiêu biểu như: FPT Trading, FPT Software và FPT FIS thực hiện
hoán đổi cổ phần cho các cổ đông của công ty con này với cổ phần của FPT để trở
thành các công ty 100% vốn thuộc FPT; Tập đoàn Hapaco đã phát hành 1,5 triệu cổ
phiếu để hoán đổi cổ phiếu của các cổ đông nhỏ lẻ tại Hapaco Hải Âu (GHA) và
Hapaco Yên Sơn (YSC) đồng thời hủy niêm yết hai cổ phiếu này trên HNX; Vinpearl
Corp đã phát hành gần 25,6 triệu cổ phiếu để hoán đổi lấy cổ phiếu của 3 công
ty liên kết: Vinpearl Đà Nẵng, Vinpearl Hội An và Vincharm.
Đặc biệt trong quý 4/2011, thị trường tiếp tục chứng kiến một
thương vụ M&A lớn nhất giữa hai doanh nghiệp Việt Nam là Công ty Cổ phần
Vincom và Công ty Cổ phần Vinpearl. Đây là thương vụ sáp nhập theo chiều ngang
điển hình (horizontal merger) giữa hai doanh nghiệp Việt Nam nhằm mở rộng quy
mô, đa dạng hóa ngành nghề, giúp đạt tới một vị thế và quy mô mới trên thị
trường.
Với quy mô doanh nghiệp và phạm vi hoạt động rộng lớn, đồng
thời đây đều là các công ty đã niêm yết, cổ phiếu hiện được giao dịch tập trung
và giá cả biến động hàng ngày, việc thực hiệp sáp nhập là rất phức tạp. Hình thức
M&A được lựa chọn là hoán đổi cổ phiếu. Theo đó, Vincom sẽ phát hành thêm cổ
phiếu để đổi lấy cổ phiếu Vinpearl của các cổ đông. Sau hoán đổi Vincom sẽ sở hữu
100% vốn điều lệ của Vinpearl và chuyển các công ty này thành công ty TNHH 1
thành viên trực thuộc.
Đến nay, thương vụ sáp nhập Vinpearl vào Vincom đã hoàn tất,
khép lại một năm 2011 đầy sôi động cho M&A Việt Nam.
Theo VnEconomy