|
Sau một thời gian ảm đạm, giá cao su xuất khẩu cũng như hoạt
động mua bán cao su ở nước ta đang khởi sắc trở lại
Sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Thìn, giá cao su chỉ còn ở mức khoảng 68
triệu đ/tấn. Không những thế, nhiều công ty cao su còn lo ngay ngáy vì lượng
cao su tồn kho khá lớn vì tiêu thụ khó khăn, có công ty còn tồn tới 7.000 tấn
cao su.
Nhưng từ đầu tháng 2 đến giờ, thị trường cao su đã được cải
thiện một cách đáng kể. Ông Lê Văn Xứng, Trưởng đại diện Cty Cao su Bình Long
tại Móng Cái cho biết giá cao su xuất khẩu sang Trung Quốc đầu tuần này đã tăng
từ mức trên 20.000 NDT/tấn hồi trước Tết lên tới 23.000 NDT/tấn. Giá cao su
tăng là do hoạt động xuất khẩu cao su qua biên giới phía Bắc đang tăng. Thương
lái Trung Quốc đang đổ xô qua biên giới để mua cao su, với sức mua từ 500-600
tấn/ngày. Thậm chí có những ngày họ mua tới trên dưới 1.000 tấn. Theo ông Xứng,
thời gian tới, xuất khẩu cao su qua biên giới phía Bắc sẽ còn tiếp tục khả quan
do các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang có nhu cầu thu mua khá lớn.
Nhận định của ông Xứng là có cơ sở, bởi theo nguồn tin từ Sở
Giao dịch hàng hóa Thượng Hải, lượng cao su dự trữ ở đây đã giảm 6,0% so với
lần thông báo hồi giữa tháng 1 vừa rồi. Còn theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao
su thiên nhiên (ANRPC), nhu cầu cao su thiên nhiên đang có dấu hiệu tăng mạnh
từ thị trường Trung Quốc. Trong năm nay, Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ 3,61
triệu tấn cao su, tăng 3% so với năm ngoái.
Không chỉ giá cao su xuất khẩu sang Trung Quốc tăng lên, mà
giá cao su xuất khẩu sang các thị trường khác cũng đang tăng đều từ sau Tết
Nhâm Thìn đến giờ. Hiệp hội Cao su Việt Nam, cho biết, giá cao su SVR 3L ngày
31-1-2012 ở mức 3.450 USD/tấn, tăng 6,1 % so với giá 3.270 USD/tấn ngày
3-1-2012. Giá cao su giao dịch nội địa nhờ đó cũng tăng lên đáng kể. Ngày 7-2,
trên sàn giao dịch SACOM-STE, 100 tấn cao su SVR 3L đã được giao dịch với giá
76,5 triệu đ/tấn, tăng gần 10 triệu đ/tấn so với cuối tháng 1.
Nguyên nhân chính đã giúp cho giá cao su tăng mạnh trở lại là
nhờ những tác động từ thị trường thế giới. 3 nước xuất khẩu cao su hàng đầu là
Thái Lan, Indonesia và Malaysia đang vào thời điểm giảm sản lượng thu hoạch do
thời tiết bất lợi, khiến cho nguồn cung ra thị trường giảm. Chính phủ Thái Lan
vừa tung ra 15 tỷ baht (472 triệu USD) mua 200.000 tấn cao su dự trữ với giá
120 baht/kg (cao hơn giá thị trường). Các doanh nghiệp tư nhân nước này cũng bỏ
ra 2 tỷ baht mua dữ trữ cao su nhằm đẩy giá lên. Trong tháng 1, nước Mỹ đã rất
thành công trong việc tạo ra nhiều chỗ làm mới, bằng chứng là tỷ lệ thất nghiệp
đã giảm xuống còn 8,3% (thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây), khiến cho nhu
cầu mua sắm ô tô tăng trở lại. Rồi xu hướng tăng giá dầu mỏ trên thị trường thế
giới. Những yếu tố đó đã làm giá cao su trên thị trường thế giới tuy vẫn lúc
tăng, lúc giảm, nhưng nhìn chung là ở xu hướng tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Trên sàn giao dịch Tokyo (Tocom) - nơi giá cao su được lấy làm chuẩn cho thị
trường thế giới, giá cao su giao sau 6 tháng (kỳ hạn tháng 7) chốt phiên ngày
31-1 ở mức 314,9 Yên/kg. So với cuối năm 2011, giá cao su trên sàn này đã cao
hơn 50,5 yên, tương đương hơn 19%. Còn ở Thái Lan, giá cao su tấm hun khói RSS3
giao ngay tăng 0,95 USD/kg, từ mức 3,35 USD cuối năm 2011 lên 4,3 USD/kg trong
ngày 31-1 (tăng 28,3%).
Theo dự báo mới nhất của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su
thiên nhiên (ANRPC), sản lượng cao su thiên nhiên ở các nước sản xuất chủ lực
sẽ tăng ít hơn trong năm nay. Theo đó sản lượng cao su thiên nhiên trên toàn
thế giới trong cả năm 2012 sẽ đạt mức 10,45 triệu tấn, tức là chỉ tăng 3,2% so
năm 2011, thấp hơn so với mức tăng 5,7% về sản lượng trong năm ngoái. Vì thế,
trong thời gian tới, ít nhất là từ nay đến tháng 5, khi các nước Thái Lan,
Indonesia và Malaysia tiếp tục giảm sản lượng thu hoạch vì thời tiết, giá cao
su thiên nhiên vẫn ở xu hướng tăng lên.
Theo Vinanet
|