Bà Rịa
- Vũng Tàu (BR-VT) đang tập trung kêu gọi đầu tư vào 2 lĩnh vực chính là
logistics và công nghiệp phụ trợ, nhằm phát huy lợi thế hệ thống cảng biển, tạo
ra sản phẩm công nghiệp để tái cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp
hoá.
Kết thúc giai đoạn phát
triển bề nổi
Trong “Ngày hội đầu tư Xuân Nhâm Thìn”
vừa được tổ chức tại tỉnh BR-VT, không có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài
(FDI) mới nào được trao giấy chứng nhận đầu tư. Lý giải vấn đề này, đại diện Sở
Kế hoạch và Đầu tư tỉnh BR-VT cho biết, đây có thể được coi là tín hiệu chuyển
giai đoạn trong hoạt động FDI tại địa phương.
Trên thực tế, sự phát triển ồ ạt các dự
án FDI tại BR-VT trong những năm vừa qua đã bộc lộ không ít hạn chế, xuất phát
cả từ phía các nhà đầu tư lẫn môi trường đầu tư tại tỉnh. Vì vậy, tỉnh đã đưa
ra các tiêu chí cụ thể để chọn lọc dự án một cách kỹ lưỡng hơn, có mục tiêu cụ
thể hơn, chứ không chạy theo thành tích số lượng, sản phẩm tràn lan.
Ông Hồ Văn Niên, Phó chủ tịch UBND tỉnh
BR-VT cho biết, trong 20 năm qua, tỉnh định hướng thu hút những dự án công
nghiệp nặng, khai thác thế mạnh của địa phương, nhưng giờ nhìn lại, thấy chính
sách đó chưa hẳn đã đúng, vì tất cả thiết bị của ngành công nghiệp nặng đều
phải nhập khẩu và hầu như không có gì là sản phẩm do tỉnh sản xuất.
Bên cạnh đó, hầu hết những thế mạnh,
tiềm năng kinh tế của BR-VT đã được các dự án FDI khai thác, nhưng sản phẩm và
dịch vụ mới chỉ ở mức độ sơ cấp hoặc công suất đạt ở mức thấp. Ví dụ, toàn tỉnh
có 53 cảng và cầu cảng, trong đó có nhiều dự án FDI, nhưng lại phải đối mặt với
tình trạng thiếu hàng, có cảng trong năm 2011 chỉ hoạt động 40-50% công suất,
do hệ thống dịch vụ hậu cần chưa phát triển.
Hầu hết dự án FDI đang hoạt động sản
xuất trong khu công nghiệp là những dự án gia công, lắp ráp, như Nhà máy Wind
Towers chỉ chế tạo cơ khí phần ống tháp, còn phần máy móc – thiết bị là do nước
ngoài sản xuất.
Bất cập nữa là, thời gian qua, không ít
nhà đầu tư xí phần dự án rồi chờ tìm đối tác để nhượng lại kiếm lời, trong khi
nhiều nhà đầu tư có khả năng nhưng đến sau, nên không tìm được địa điểm, do quỹ
đất có hạn. Xu hướng này đã dẫn đến tỷ lệ vốn thực hiện đạt rất thấp, chỉ bằng
30% vốn đăng ký đầu tư.
Bắt đầu phát triển theo
chiều sâu
Từ những bất cập như vậy, BR-VT đang cẩn
trọng hơn, đề ra mục tiêu rõ ràng hơn trong việc thu hút FDI. Hiện tại có thể
được xem là giai đoạn để tỉnh giải quyết cơ bản những hạn chế về hạ tầng cơ sở
để thu hút các dự án FDI thực tế hơn.
Trong năm 2011 và đầu năm 2012, tỉnh đã
tập trung xúc tiến các dự án đầu tư đến từ Nhật Bản và đã thu hút được sự quan tâm
của nhiều nhà đầu tư nước này.
Ông Hồ Văn Niên cho biết, tỉnh đang tập
trung kêu gọi đầu tư vào 2 lĩnh vực chính là logistics và công nghiệp phụ trợ,
để phát huy hết công năng của hệ thống cảng biển, tạo ra sản phẩm công nghiệp
để tái cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp hóa một cách thực
sự, phát huy nội lực của địa phương, tài nguyên và con người địa phương.
Các nhà đầu tư Nhật Bản đã đề xuất các ý
tưởng phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Sắp tới, BR-VT và các doanh
nghiệp, các tổ chức kinh tế, cơ quan hỗ trợ phát triển của Nhật Bản sẽ có mối
quan hệ chặt chẽ hơn nhằm hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững, hiệu quả.
BR-VT đặt chỉ tiêu thu hút đầu tư FDI
trong năm 2012 chỉ khoảng 500 triệu USD, bằng già nửa so với năm 2011. Ông Niên
khẳng định, kinh tế BR-VT nói chung và hoạt động FDI đang bớt dần lệ thuộc vào
dầu khí, công nghiệp nặng (điện...), du lịch, mà chú trọng mở rộng dịch vụ
logistics và công nghiệp hỗ trợ, theo đúng tinh thần của Đại hội Tỉnh Đảng bộ
lần thứ V là phát triển tỉnh trở thành đô thị cảng biển.
Theo BaoDauTu