Không chỉ các chính phủ châu Âu, các doanh nghiệp khu vực này
cũng chật vật với những món nợ khổng lồ và có nguy cơ phá sản.
Khi lợi nhuận và doanh số bán giảm xuống, không ít doanh nghiệp
châu Âu cảm thấy việc trang trải cho các khoản chi phí hoạt động, tiền hàng…
trở nên khó khăn. Trong khi đó, các ngân hàng châu Âu lại do dự trong việc cho
vay. Có nhiều mối lo ngại cho rằng doanh nghiệp sẽ không thể vay được số tiền
họ cần và sẽ buộc phải đi đến hành động quyết liệt hơn, từ đó khiến cho nền
kinh tế thêm bất ổn. Trên thực tế, điều đó đã và đang diễn ra tại châu Âu.
Số trường hợp không trả được nợ dự kiến sẽ tăng 12% trong năm
nay so với năm ngoái tại khu vực đồng tiền chung châu Âu. Các quốc gia gồm Hy
Lạp, Tây Ban Nha và Ý sẽ có tỉ lệ vỡ nợ cao nhất trong khu vực.
Đua nhau vỡ nợ
Tháng 1.2012, hãng lọc dầu độc lập lớn nhất tại châu Âu
Petroplus Holdings (Thụy Sĩ) cho biết đang làm thủ tục vỡ nợ sau khi các chủ nợ
yêu cầu trả khoản tiền 1,75 tỉ USD. Công ty này đang đối mặt với tình trạng
biên lợi nhuận giảm mạnh do giá dầu tăng cao và điều kiện kinh tế yếu ớt. Để
thoát khỏi cảnh đường cùng, Công ty đã cố gắng thương thảo với các chủ nợ.
Nhưng BNP Paribas (Pháp), Credit Suisse (Thụy Sĩ) và các tổ chức cho vay khác,
cũng đang đối mặt với những khó khăn do khủng hoảng nợ công châu Âu, đã quyết
định Petroplus không đáng để họ mạo hiểm.
Hãng tư vấn và kiểm toán Mỹ PricewaterhouseCoopers cho biết
có gần 40 tổ chức đang đánh giá các cơ sở tại Anh của Petroplus để ra giá mua
lại.
Đó là một tín hiệu rất xấu. Ludovic Subran, chuyên gia kinh
tế trưởng của công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes (Pháp), cho biết khoảng
2/3 công ty châu Âu có khoản nợ cao hơn giá trị tài sản sẽ phải nộp đơn xin phá
sản.
2012 là năm tồi tệ đối với châu Âu. Ngày 24.1.2012, Quỹ Tiền
tệ Quốc tế (IMF) cho biết khu vực đồng tiền chung châu Âu dự kiến sẽ tăng
trưởng âm 0,5% trong năm 2012. Kịch bản tồi tệ nhất rơi vào khu vực Nam Âu khi
Ý được dự báo sẽ tăng trưởng âm tới 2,2% và Tây Ban Nha là âm 1,7%.
Những bất ổn kinh tế vĩ mô đã và đang bào mòn lợi nhuận của
doanh nghiệp. Khi châu Âu vật lộn với cuộc suy thoái thì tỉ lệ thất nghiệp cũng
gia tăng, niềm tin tiêu dùng giảm mạnh và các đơn đặt hàng sản xuất cũng giảm
xuống.
Các công ty sống dựa vào người tiêu dùng đặc biệt bị tác động
nặng nhất. Vào tháng 1.2012, nhà bán lẻ Anh Tesco cho biết lợi nhuận của họ sẽ
giảm lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua, với lợi nhuận của năm 2012 thấp hơn 709
triệu USD so với dự báo của giới chuyên gia phân tích. Carrefour của Pháp cũng
ước tính lợi nhuận hoạt động trong năm vừa qua sẽ giảm 15-20%, do doanh số bán
suy yếu ở thị trường Pháp và Nam Âu.
Những khó khăn từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và tình
hình kinh doanh của doanh nghiệp không khả quan đã khiến cho giới ngân hàng trở
nên dè dặt trong cho vay.
Không có vốn ngân hàng, các doanh nghiệp nặng nợ sẽ phải bán
tài sản và cắt giảm đầu tư. Để tái cấu trúc tài chính, Punch Taverns - chuỗi
quán rượu của Anh đã vay 7,4 tỉ USD để bành trướng quy mô trong thập kỷ qua -
đã quyết định chia tách doanh nghiệp làm 2 vào năm ngoái.
Một công ty nhỏ hơn là Spirit Pub Company đã được thành lập
bao gồm các cơ sở sinh lợi nhất của Punch. Punch, sau khi tái cấu trúc vẫn còn
một món nợ lớn chưa trả, nên đang cố gắng bán đi một số quán rượu nữa để giảm
gánh nặng nợ. Roger Whiteside, Tổng Giám đốc Punch, cho biết kế hoạch này sẽ
giúp đưa Công ty quay lại thời kỳ tăng trưởng trong 5 năm tới.
Thế nhưng, một số công ty lại hầu như không còn bất cứ sự lựa
chọn nào. Vào tháng 12.2012, Seat Pagine Gialle, nhà xuất bản trang vàng của Ý,
cho biết sẽ không trả nổi món nợ 72 triệu USD khi Hãng đang tìm cách tái cấu
trúc bảng cân đối kế toán. Đó là lần thứ hai Seat Pagine Gialle bị vỡ nợ chỉ
trong vòng chưa đầy 1 năm, mặc dù các chủ nợ chưa hề gây sức ép.
Tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s (Mỹ) cho
biết các doanh nghiệp châu Âu có hệ số tín nhiệm dưới mức đầu tư đang đối mặt
với khoản nợ đáo hạn vào năm nay, tổng cộng tới 72 tỉ USD. Cũng theo ước tính
của Standard & Poor’s, tỉ lệ vỡ nợ ở nhóm này có thể sẽ tăng tới 8,4% trong
năm 2012.
Làn sóng M&A
Khủng hoảng nợ công tại châu Âu chỉ càng khiến cho các vấn đề
thêm trầm trọng. Theo cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Trung ương châu Âu
(ECB), các tổ chức tài chính đã giảm tín dụng dành cho doanh nghiệp trong quý
III/2011. Rõ ràng, nỗ lực của giới lãnh đạo châu Âu nhằm khuyến khích cho vay
vẫn chưa phát huy tác dụng.
Vào cuối tháng 12.2011, ECB đã cung cấp cho hệ thống tài
chính khu vực 489 tỉ euro gồm các khoản cho vay lãi suất thấp, thời hạn 3 năm.
Giới cầm quyền đã hy vọng số tiền này sẽ xoa dịu sức ép tín dụng tại các ngân
hàng châu Âu để họ có thể bắt đầu cho vay trở lại.
Nhưng thay vì cung cấp cho doanh nghiệp đang khát vốn, các tổ
chức tài chính lại chọn cách gửi tiền vào ngân hàng trung ương cho… an toàn.
Ngày 18.1 vừa qua, các quan chức cho biết các ngân hàng châu Âu đã gửi khoảng
700 tỉ USD tiền gửi qua đêm tại Ngân hàng Trung ương, mức cao nhất kể từ năm
1999.
Cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực doanh nghiệp có thể sẽ mở cửa
cho các thương vụ thâu tóm. Các tổ chức đa quốc gia giàu tiền lắm bạc trong đó
có Siemens của Đức và Philips của Hà Lan, đã và đang săn lùng các tài sản hấp
dẫn tại những công ty đang gặp khó khăn.
Nhà đầu tư vốn cổ phần tư nhân cũng đang thăm dò cơ hội. Vào
tháng 1, Sun European Partners, một hãng đầu tư vốn cổ phần tư nhân, đã mua lại
Bonmarché, thuộc Peacocks, chuỗi thời trang Anh đang bị vỡ nợ. Sun European
cũng đã sở hữu các nhà bán lẻ khác trong ngành thời trang. “Nhiều công ty có
tài sản tốt nhưng có cơ cấu vốn rất kém. Và điều đó đang tạo ra cơ hội thâu tóm
rất lớn”, Mark Sterling, chuyên về xử lý vỡ nợ và tái cấu trúc tại hãng luật
Allen & Overy ở London, nhận xét.
Theo INFOTV