Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho
biết,trên cơ sở phân loại 4 nhóm tổ chức tín dụng, sau 6 tháng, Ngân hàng Nhà
nước sẽ đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện, những đơn vị nào hoạt động
tốt, sẽ điều chỉnh tổ chức tín dụng từ nhóm này sang nhóm khác và thay đổi mức
tăng tín dụng đối với từng đơn vị.
Ở phạm vi rộng hơn, nếu các tổ chức tín dụng hoạt động lành
mạnh, hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét khả năng nới lỏng các biện pháp
kiểm soát tín dụng và ngược lại.
Phát biểu tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước vào chiều
ngày 14/2 công bố về việc triển khai Nghị quyết 01 của chính phủ và Chỉ thị 01
của Ngân hàng Nhà nước về chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an
toàn, hiệu quả năm 2012, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến nhấn mạnh: Khi Ngân
hàng Nhà nước đặt vấn đề kiểm soát tín dụng đã có nhiều ý kiến nói rằng không
nên cào bằng cho mọi tổ chức tín dụng mà nên căn cứ vào năng lực tài chính, khả
năng kiểm soát, chất lượng hoạt động của từng đơn vị.
Chính vì vậy, tại Chỉ thị 01 đã được Ngân hàng Nhà nước ban
hành ngày 13/2, cơ quan này đã "phân định" các tổ chức tín dụng thành
4 nhóm để áp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một cách chặt chẽ.
“Tiêu chí để phân chia các nhóm bao dựa trên quy mô vốn,năng
lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro, những sai sót sai phạm trong tuân thủ
chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, nhóm 1 tương đối, an toàn lành mạnh ổn
định sẽ được tăng trưởng ở mức cao nhất 17%; nhóm 2 ở mức thấp hơn thì tỷ lệ là
15%; nhóm 3 tối đa 8% và nhóm 4 thuộc diện đang phải cơ cấu lại có vì nguy cơ
mất an toàn nên không được tăng trưởng tín dụng,” ông Tiến cho hay.
Theo ông Tiến, những tổ chức tín dụng không tăng tín dụng,
lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, đang trong quá trình tái cơ cấu,
thì phải thu hồi các khoản nợ cũ và cho vay khoản mới có hiệu quả, cơ cấu lại
danh mục tài sản chất lượng an toàn hơn.
Những tổ chức tín dụng nước ngoài mới sẽ được cho phép tăng
trưởng tín dụng tối đa ở mức vốn điều lệ có.
Bên cạnh đó, một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị
01 là năm 2012, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát tỷ trọng dư nợ lĩnh vực
không khuyến khích (bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng) ở mức 16%.
Về vấn đề này, ông Tiến cho biết tính đến hết năm 2011, tỷ
trọng dư nợ phi sản xuất toàn ngành ở mức 11,3% nhưng cũng có tổ chức tín dụng
vượt 16% và Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng một số biện pháp cảnh báo và kiểm
soát đối với họ.
Về tỷ trọng cho vay bất động sản thì trước đây xấp xỉ khoảng
10% nhưng đến nay, con số này dưới 9%. Đặc biệt, trong năm 2011, tốc độ tăng
trưởng dư nợ lĩnh vực này đã giảm 15%, đúng như mục tiêu điều hành của Chính
phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì mức giảm này trong năm 2012.
Những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai là tập
trung cho mục tiêu ưu tiên của Chính phủ: Ổn định kinh tế vĩ mô, cấp tín dụng
cho sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực tạo thêm nhiều việc làm và xuất khẩu; không
ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực không khuyến khích như chứng khoán và bất
động sản. Tuy nhiên, đối với tín dụng bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cũng
điều chỉnh linh hoạt và cho phép cấp tín dụng đối với các dự án xây dựng nhà ở
cho người thu nhập thấp, công nhân lao động khu công nghiệp, các công trình xây
dựng nhà ở sắp hoàn thiện sẽ bàn giao sử dụng vào cuối năm 2012.
Những đơn vị có mức tăng trưởng tín dụng và dư nợ lĩnh vực
không khuyến khích quá quy định, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng biện pháp tăng
dự trữ bắt buộc VND lên gấp hai lần.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ áp dụng các công cụ
chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống. “Các ngân hàng
phải tuân thủ quy định Ngân hàng Nhà nước. Một trong những vấn đề của năm 2011
là tính tuân thủ và trách nhiệm xã hội của các ngân hàng chưa tốt, dẫn tới thị
trường chạy đua lãi suất”, ông Tiến cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Đăng Hồng, Phó Chánh thanh tra giám sát Ngân
hàng Nhà nước, thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục duy trì thanh kiểm tra và
duy trì đường dây nóng. Nếu phát hiện thấy tổ chức tín dụng nào có biểu hiện
lách trần lãi suất huy động sẽ thực hiện nghiêm minh, thậm chí xử lý cá nhân ở
mức cao nhất buộc thôi việc hoặc thực hiện theo pháp luật, hạn chế mở phòng
giao dịch, ATM./.
Theo INFOTV