Số
liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI) tháng 1.2012 chỉ đạt 37,3 triệu USD, bằng 2,5% so với cùng kỳ năm
trước.
Một
số ý kiến lạc quan thì cho rằng, tháng 1 năm nay trùng với những ngày nghỉ tết
âm lịch nên số ngày làm việc thực tế ít. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư châu Á
muốn được cấp phép trong năm Nhâm Thìn để được may mắn. Ngoài ra, trong tháng
1.2011, có một dự án rất lớn được cấp phép với số vốn trên 1 tỉ USD nên kết quả
thu hút vốn FDI khiêm tốn của tháng 1.2012 chưa phản ánh thực bản chất của việc
thu hút FDI. "Phe" lạc quan này còn dự báo thu hút FDI của năm nay ít
nhất cũng bằng năm ngoái.
Khác
hẳn với cái nhìn lạc quan trên, TS Lê Đăng Doanh cho rằng có 2 nguyên nhân
chính ảnh hưởng tới FDI vào Việt Nam, dẫn đến lượng FDI tháng 1.2012 thấp đột
biến. Đầu tiên là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã có tác động rõ rệt đến
Việt Nam. Thứ hai là môi trường đầu tư của Việt Nam tỏ ra kém cạnh tranh hơn so
với các nước trong khu vực, những cải cách mà chúng ta định tiến hành cho đến
nay vẫn chưa thuyết phục được nhà đầu tư.
Thu
hút vốn FDI nên tập trung vào chất lượng, không chạy theo số lượng (trong ảnh:
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Artux do Pháp đầu tư) - Ảnh: Diệp Đức
Minh
Cũng
theo ông Doanh, kết quả trên nên được nhìn nhận một cách hết sức nghiêm túc như
là một tiếng chuông báo động về sự giảm sút niềm tin của nhà đầu tư. “Tình hình
có thể được cải thiện nếu chúng ta thực hiện tốt việc tái cấu trúc các doanh
nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư cũng như các vấn đề mà nhà đầu tư
đã kiến nghị lâu nay”, TS Doanh khuyến cáo.
Còn
theo TS Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư,
bối cảnh, điều kiện của tháng 1 năm nay và năm ngoái khác nhau nên khó có thể
so sánh được. Số liệu bao nhiêu cũng không phải là điều quan trọng và chúng ta
nên bình tĩnh nhìn nhận nó. Hiện là thời điểm bước ngoặt trong sự đổi mới của
Việt Nam và chúng ta đang rà soát lại các chính sách, thủ tục đầu tư để thu hút
những dự án tốt, những nhà đầu tư có chất lượng, phục vụ cho sự phát triển lâu
dài.
Không
phủ nhận việc môi trường đầu tư của chúng ta đang trở nên kém hấp dẫn hơn so với
các nước trong khu vực, tuy nhiên TS Cung cho rằng nếu cứ đề cập đến vấn đề này
thì sẽ xảy ra tâm lý đối phó ở các địa phương. Có nghĩa là họ sẽ tìm “đại” các
nhà đầu tư vào để gia tăng về số lượng, mà như thế thì chẳng giải quyết được vấn
đề gì. “Mục tiêu của mình hiện nay là chất lượng chứ không phải là số lượng.
Chúng ta đang tìm kiếm một thế hệ những nhà đầu tư mới có chất lượng và thân
thiện với môi trường hơn”, TS Cung nói.
Ông
Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), nhận định
vấn đề quan trọng của chúng ta hiện nay là phải xây dựng và điều chỉnh một số
cơ chế chính sách liên quan đến ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư.
Theo TNO