"Từ khi Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực (1-1-2012), các
doanh nghiệp (DN) trong hội chúng tôi rất lúng túng. Luật này không phân biệt
các sản phẩm túi nylon và thiếu tiêu chí cụ thể cho các sản phẩm thân thiện với
môi trường. Nhiều cách hiểu khác nhau từ đơn vị soạn thảo đến thực thi khiến
cho DN ngành nhựa khốn đốn”. Đó là bức xúc của ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch
Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tại buổi họp báo về vấn đề bao bì nhựa chịu thuế diễn
ra ngày 10-2 tại TP.HCM.
Phân loại, tiêu chí không rõ ràng
Nghị định 67/2011 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường) ghi rõ: Đối tượng chịu thuế là loại túi
bao bì nhựa mỏng làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE hoặc LLDPE, trừ bao bì đóng
gói sẵn hàng hóa và túi nylon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo
quy định.
Tuy nhiên, việc áp thuế trên thực tế hầu như không có sự phân biệt
nào. Ông Phạm Trung Cang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa, cho biết: Từ khi Luật
Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực, Hiệp hội Nhựa đã nhận được nhiều ý kiến của
các DN. Ban đầu, dự thảo luật chỉ ghi áp dụng những loại túi bao bì được làm từ
màng nhựa đơn polyetylene (PE), từ HDPE+LLDPE mỏng đến siêu mỏng (còn gọi là
túi nhựa xốp, thường dùng trong các chợ, siêu thị). Nhưng khi luật ra đời, luật
và các văn bản hướng dẫn không ghi rõ áp dụng với loại túi đơn lớp hay đơn
nguyên liệu (PE). Thực tế có những loại túi làm từ nhiều nguyên liệu nhưng cũng
chỉ một lớp. Khi đánh thuế, cơ quan thực thi cứ thấy túi có chữ “PE” là đánh
thuế tuốt luốt, bất kể đó là túi một lớp hay nhiều lớp. Điều này làm cho giá
bán hàng tăng, dễ mất năng lực cạnh tranh đối với DN nhựa nước ngoài, bởi thuế
nhập túi nhựa các nước ASEAN vào VN là 0%. Nhiều DN nước ngoài đầu tư ở Việt
Nam trước đây mua các sản phẩm của DN nhựa VN nay cũng tuyên bố nhập hàng từ
ASEAN.
Giá nhiều mặt hàng bao bì nhựa tăng cao do phải đóng thuế bảo vệ
môi trường. Ảnh chụp tại chợ Bình Tây, TP.HCM. Ảnh: HTD
Bên cạnh đó, theo ông Hồ Đức Lam, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa, cho
biết: “Hầu hết cán bộ thực hiện thu thuế môi trường không biết rõ thế nào là
túi nhựa PE, PP, hay BOPP hay nhựa khác; túi màng đơn hay màng ghép phức hợp PE
nhiều lớp. Luật quy định thu thuế 30.000-50.000 đồng/kg nhưng cơ quan thuế
không phân biệt được loại nào thu 30.000, loại nào 31.000, 32.000 đồng… nên cứ
lấy mức thuế chung là 40.000 đồng”.
Ngoài ra, theo đại diện của Hiệp hội Nhựa, đối với tên gọi “bao bì
đóng gói sẵn hàng hóa” (theo Nghị định 67 sẽ không bị chịu thuế) cũng chưa có
định nghĩa rõ ràng. Phát biểu tại hội thảo ngày
15-12-2011, phía Tổng cục Thuế cho rằng: “Bao bì đóng gói sẵn hàng hóa là những
loại bao bì đóng gói các loại hàng hóa khi nhập về Việt Nam”. Vậy các loại hàng
hóa trong nước thì tính như thế nào? Định nghĩa không rõ ràng như vậy nên loại
bao bì này có thể bị đánh thuế trước khi được làm “bao bì đóng gói sẵn”.
Kiến nghị tạm ngưng thu thuế
Ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cũng thông
tin: Ngay khi Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực, giá nhiều mặt hàng bao
bì nhựa tăng cao dẫn đến tình trạng đầu cơ, thiếu hàng giả tạo trong dịp tết.
Vì vậy, hội đã đề nghị tạm ngưng thực hiện đánh thuế đối với các mặt hàng này.
“Việc áp dụng Luật Thuế bảo vệ môi trường là cần thiết nhưng phải có lộ trình
và phải rõ ràng nội dung, đối tượng áp dụng. Chúng tôi đề nghị cần làm rõ loại
túi nylon chịu thuế là loại túi nào. Hiệp hội Nhựa mong muốn được tham gia vào
việc đóng góp, chỉnh sửa bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thuế bảo
vệ môi trường. Chúng tôi mong muốn có buổi đối thoại giữa Hiệp hội với cơ quan chức
năng để tìm tiếng nói chung” - ông Doanh nói.
Cuối năm 2011, văn bản do Hiệp hội Nhựa gửi Vụ Chính sách thuế (Bộ
Tài chính) và các cơ quan chức năng đã kiến nghị: Túi nylon thân thiện môi
trường cũng cần có tiêu chí cụ thể. Đối với loại túi mỏng, muốn không bị đánh
thế thì DN cần chứng minh khả năng tự phân hủy và không để lại chất độc trong
đất của sản phẩm. Riêng loại túi mỏng không có khả năng tự phân hủy trong ba
năm thì phải chịu thuế… Tuy nhiên, đến nay các kiến nghị trên vẫn chưa được
giải đáp.
7,9
tỉ USD là doanh thu đạt được trong năm 2011 của ngành nhựa Việt Nam. Kim
ngạch xuất khẩu đạt 1,32 tỉ USD, tăng 28% so với cùng kỳ.
(Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam)
Việc
áp dụng Luật Thuế bảo vệ môi trường là cần thiết nhưng phải có lộ trình và
phải rõ ràng nội dung, đối tượng áp dụng. Chúng tôi đề nghị cần làm rõ loại
túi nylon chịu thuế là loại túi nào.
Ông Lê
Quang Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam
|
Theo PhapLuat