Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thời gian qua,
nhiều chuyên gia lo ngại lĩnh vực bảo hiểm sẽ khó tăng trưởng khi hầu hết các
kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản đều trong tình trạng “trầm lắng.” Bên
cạnh đó, kinh tế thế giới năm 2012 cũng được dự báo không mấy tích cực.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm
cho rằng, sẽ vẫn có những cơ hội tăng trưởng trong khó khăn nếu các công ty bảo
hiểm biết hướng tới mục tiêu xây dựng được thương hiệu, uy tín cao để có thể
hấp dẫn khách hàng bằng các sản phẩm bảo hiểm thích hợp.
Đối với Việt Nam, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2012 vẫn là kiềm
chế lạm phát. Điều này, một mặt có lợi là thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động
hiệu quả hơn, nhưng mặt khác cũng khiến các doanh nghiệp có sức cạnh tranh yếu
khó khăn hơn.
Năm 2012 cũng được dự báo là còn khó khăn song cũng nhiều cơ
hội cho những doanh nghiệp có tiềm lực. Có thể nhìn nhận cơ hội đó ở nhiều góc
độ khác nhau như cơ hội thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các doanh
nghiệp gặp khó. Vấn đề là các doanh nghiệp nắm bắt thời cơ như thế nào.
Năm 2012, các thông điệp chính sách vĩ mô được đưa ra như tập
trung tái cấu trúc nền kinh tế, giảm chi tiêu công, duy trì chính sách tài
chính chặt chẽ sẽ tác động ít nhiều đến thị trường bảo hiểm.
Một trong những lĩnh vực được các chuyên gia bảo hiểm nhìn
nhận như là cơ hội còn mới mẻ và khá tiềm năng là kênh cung cấp các sản phẩm
bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng (bancassurance).
Theo Tập đoàn Bảo Việt, trong năm 2011, đóng góp từ kênh phân
phối bancassurance tăng trên 200% so với năm 2010. Trong năm 2012, nhiều doanh
nghiệp sẽ nỗ lực phát triển kênh phân phối này.
Nhận thấy đây là một dòng sản phẩm có cơ hội tốt để gia tăng
doanh thu, nhiều ngân hàng đã thúc đẩy bancassurance. Baoviet Bank đã chú trọng
phát triển ngay từ khi mới đi vào hoạt động. Với định hướng trở thành một trong
những ngân hàng hàng đầu Việt Nam về phát triển bancassurance, đến nay riêng
dòng sản phẩm bancassurance, ngân hàng này đã phát triển được tám sản phẩm liên
kết và tiếp tục triển khai sản phẩm độc lập, bắt đầu với sản phẩm An Phát trọn
đời (sản phẩm chủ lực của Bảo Việt nhân thọ).
Nhìn vào bức tranh chung của ngành bảo hiểm trong năm 2012,
ông Christopher Teo, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm Bảo hiểm Nhân thọ
VietinBank Aviva, nhận định đến giữa năm 2012, VietinAviva sẽ triển khai các
dòng sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiết kiệm, đầu tư của khách hàng.
Nhận thức được mối quan tâm sâu sắc của các bậc phụ huynh
trong việc hoạch định kế hoạch học tập cho con cái, VietinAviva sẽ nhanh chóng
đưa ra thị trường dòng sản phẩm Tích lũy giáo dục. Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ
phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm nhóm, hướng tới đối tượng khách hàng
doanh nghiệp của VietinBank, giúp doanh nghiệp tăng phúc lợi cho người lao
động, bảo vệ và duy trì nguồn nhân lực.
Theo đánh giá của các chuyên gia, từ năm 2012, theo cam kết
WTO, chi nhánh các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài sẽ được thành
lập và hoạt động tại Việt Nam. Khi đó, mật độ cạnh tranh sẽ ngày càng dày đặc.
Các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có nguồn lực tài chính
và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm cũng như thương mại
quốc tế sẽ là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp bảo hiểm nội địa.
Tuy nhiên, thị trường cần được phát triển theo hướng cạnh
tranh lành mạnh, hạn chế tối đa cạnh tranh phi kỹ thuật. Bên cạnh đó, ở một
khía cạnh khác, lạm phát làm tăng rủi ro cho nền kinh tế và khi đó, nhu cầu về
bảo hiểm lại gia tăng. Như vậy, lạm phát cũng sẽ không ảnh hưởng lớn tới doanh
thu của doanh nghiệp bảo hiểm.
Mặc dù năm 2011 còn nhiều khó khăn, song với sự đồng lòng của
các doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan quản lý và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thị
trường bảo hiểm năm 2012 sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định và an toàn.
Số lượng doanh nghiệp bảo hiểm thua lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm
ngày càng giảm. Hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng hạ phí, mở rộng điều
kiện, điều khoản bảo hiểm phi kỹ thuật đã hạ nhiệt. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm
đã quản lý tốt rủi ro, chú trọng đến hiệu quả kinh doanh hơn là tăng doanh thu
bằng mọi giá.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành ước đạt 17.362 tỷ
đồng, trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 10.123 tỷ đồng,
tăng 22% so với cùng kỳ năm 2010.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp bảo hiểm là
phải hoàn thiện hệ thống đào tạo cũng như chất lượng phục vụ khách hàng để thực
sự tạo ra sự tin tưởng của khách hàng. Đây được xem là chiếc chìa khóa để mở
cánh cửa thành công cho các công ty bảo hiểm trong năm 2012 và trong giai đoạn
tới.
Theo INFOTV