Giới kinh doanh tại sàn cho hay giao dịch đồng euro phiên 9/2
tại châu Á diễn ra trong ngập tràn sự lo lắng vì hầu hết các thị trường đều
đang dồn sự tập trung vào nỗ lực của Chính phủ Hy Lạp nhằm đạt được thỏa thuận
về hoán đổi nợ với khu vực tư nhân.
Chiều cùng ngày tại Tokyo, đồng euro dừng ở mức 1,3277
USD/euro và 102,46 yen/euro, tăng nhẹ so với các mức tương ứng 1,3260 USD/euro
và 102,14 yen/euro. Đồng USD cũng tăng giá so với đồng yen, từ 77,03 yen/USD
lên 77,17 yen/USD.
Emma Lawson, nhà chiến lược tiền tệ thuộc Ngân hàng Quốc gia
Australia, cho rằng châu Á sẽ có thêm một phiên giao dịch trầm lắng nữa ngay
tiếp theo đây, trong khi đêm 9/2 là đêm của nhiều sự kiện tại châu Âu.
Theo thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Hy Lạp, các cuộc thảo
luận kéo dài trong liên minh cầm quyền tại Hy Lạp về các biện pháp khắc khổ mới
đã kết thúc ngày 8/2 chỉ với duy nhất một điểm còn bất đồng và theo dự kiến, sự
bất đồng này có thể hoàn toàn được giải quyết trong cuộc họp sáng ngày 9/2
(theo giờ châu Âu).
Thỏa thuận về các biện pháp khắc khổ mới đòi hỏi Liên minh
châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)
nhanh chóng xem xét gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp, để giúp nước này tránh
rơi vào cảnh vỡ nợ, vì phải thanh toán 14,5 tỷ euro (khoảng 19,2 tỷ USD) trái
phiếu đáo hạn vào ngày 20/3 tới.
Theo nhà chiến lược tiền tệ Rob Ryan thuộc BNP Paribas, đồng
euro có thể bị đẩy lên cao nếu thỏa thuận giữa Chính phủ Hy Lạp và khu vực tư
nhân được thông qua. Tuy nhiên, về dài hạn, đồng tiền chung châu Âu vẫn có xu
hướng yếu đi.
Trong phiên này, mặc dù tăng giá so với đồng yen, song đồng
USD lại giảm giá so với hầu hết các đồng tiền châu Á khác như rupiah Indonesia
(xuống 8.988,75 rupiah/USD); won Hàn Quốc (xuống 1.116,07 won/USD) và đôla Đài
Loan (TWD, còn 29,46 TWD/USD)./.
Theo INFOTV