Mặc dù do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết, hoạt động xuất nhập khẩu bị đình
trệ, song tháng đầu năm đã gây bất ngờ khi xuất siêu đạt 172 triệu USD. Trong
đó, khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 360 triệu USD còn khối doanh nghiệp nội lại
nhập siêu 188 triệu USD.
Tổng
cục Hải quan ngày hôm nay (10/2) công bố tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa
tháng 1/2012.
Theo
đánh giá của Tổng cục, số ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn kéo dài đã tác
động mạnh đến mọi hoạt động của nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất nhập
khẩu hàng hóa nói riêng trong tháng đầu năm.
Theo
đó, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu cả nước trong tháng chỉ đạt 14,02 tỷ
USD, giảm 24% so với kết quả thực hiện của tháng 12/2011 và giảm 9,2% so với
kết quả thực hiện của tháng 1/2011.
Trong đó,
tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt gần 7,1 tỷ USD, với tốc độ giảm lần lượt
là 21,9% và 3%; tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là 6,92 tỷ USD, giảm 26% và
giảm 14,7%.
Tuy
nhiên, nếu so với tháng Tết Nguyên đán của năm 2011 (tháng 2/2011) thì tổng kim
ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 1/2012 vẫn tăng mạnh (26,9%), trong đó xuất
khẩu tăng 43,9% và nhập khẩu tăng 13,3%.
Trong
tháng đầu tiên của năm 2012, trong khi khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu
188 triệu USD, thì khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
lại xuất siêu tới 360 triệu USD.
Do đó,
về tổng thể thì cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 1/2012 của có mức thặng
dư 172 triệu USD. “Đây là kết quả ít thấy trong những năm gần đây” – cơ quan
hải quan quốc gia nhận định.
Cụ thể,
tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực FDI trong tháng 1 vừa rồi đạt 7,61 tỷ
USD, tăng 11,8% so với tháng 1/2011. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,99 tỷ USD, tăng
14,4%; nhập khẩu là 3,63 tỷ USD, tăng 9%.
Khối
các doanh nghiệp trong nước có kim ngạch xuất nhập khẩu là 6,41 tỷ USD, giảm
25,7% so với tháng 1/2011. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,11 tỷ USD, giảm 18,7%;
nhập khẩu gần 3,3 tỷ USD, giảm 31,2%.
Lượng
gas nhập khẩu tăng gấp đôi tháng trước
Trong
tháng, đóng vai trò chính trong các mặt hàng xuất khẩu, dầu thô xuất ra các thị
trường Nhật Bản, Australia, Trung Quốc… đạt 579 nghìn tấn, tăng 3,3% so tháng
trước và giảm 6,4% so cùng kỳ. Trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 526 triệu
USD.
Kim
ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong tháng đầu tiên của năm 2012 đạt 1,08
tỷ USD, giảm 17,1% so với tháng trước và giảm 12,2% so với tháng 1/2011. Trong
đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
(FDI) đạt 656 triệu USD, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của
cả nước.
Hoa Kỳ,
Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản tiếp tục là 3 đối tác lớn nhất nhập khẩu
hàng dệt may của Việt Nam với kim ngạch và có tốc độ giảm so với cùng kỳ năm
2011 lần lượt là 559 triệu USD và 12,3%; 186 triệu USD và 21,2%; 124 triệu USD
và 7,7%.
Về nhập
khẩu, hầu hết các mặt hàng đều giảm, riêng khí đốt hóa lỏng vẫn tăng. Trong
tháng, lượng nhập khẩu mặt hàng này đạt 72,4 nghìn tấn, cao gấp hơn 2 lần so
tháng 12/2011, đơn giá nhập khẩu bình quân là 921 USD/tấn, tăng 14,9% (tương
đương tăng 119 USD/tấn) so với giá bình quân nhập khẩu trong tháng trước nên
kim ngạch đạt 66,7 triệu USD, tăng 140,3% so với cùng thời gian.
So với
tháng 1/2011, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng tăng 14,9 triệu
USD, chủ yếu là do lượng nhập khẩu tăng cao (tăng 17,4 triệu USD), trong khi đó
yếu tố giá giảm làm kim ngạch giảm 2,5 triệu USD.
Ảrập
Xê-út và Trung Quốc là hai đối tác chính cung cấp khí đốt hoá lỏng cho các
doanh nghiệp Việt Nam, với lượng nhập khẩu lần lượt là 44,6 nghìn tấn và 27
nghìn tấn. Tính chung, lượng nhập khẩu khí hóa lỏng từ hai thị trường này chiếm
tới 98,9 % tổng lượng nhập khẩu khí hóa lỏng của cả nước.
Theo DanTri