Dệt may
là một trong những ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng ngành này
cũng nhập khẩu thuộc diện nhiều nhất…
Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam
cho thấy, xuất khẩu dệt may của Việt Nam là may gia công và gần như 100% nguyên
liệu, phụ liệu phải nhập khẩu. Câu hỏi đặt ra là, với ngành hàng xuất khẩu lớn
nhất, đất nước chúng ta thu được gì? Chắc chắn câu trả lời chỉ đơn giản là,
giải quyết được việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.
Nguồn thuế thu từ thuế thu nhập doanh
nghiệp chắc chẳng đáng là bao khi khoản “vênh” giữa đầu ra và đầu vào không
đáng kể. Đó còn chưa kể đến tình trạng “chuyển giá” của một số doanh nghiệp
nước ngoài để trốn thuế, như nhiều báo chí gần đây đã nói tới.
Tôi tự nghĩ, vậy chúng ta có nên tiếp
tục chuyển đổi hàng trăm ngàn héc-ta đất nông nghiệp nhằm xây tiếp các khu công
nghiệp để hàng triệu nông dân mất ruộng phải lên thành phố làm thuê. Chưa hết,
chúng ta phải ưu đãi đầu tư, miễn đủ thứ tiền thuê đất, tiền thuế, xây dựng cơ
sở hạ tầng cho họ… Cái giá đó có đáng phải trả để kết quả thu được như trên
không? Hay chúng ta đang rơi sâu vào “bẫy năng suất kém”, “bẫy thu nhập trung
bình” như GS. Kenichi Ohno (Viện nghiên cứu Chính sách, Nhật Bản) đã cảnh báo:
“Không thể tiếp tục dựa vào lắp ráp giản đơn với lao động không có kỹ năng. Các
ngành công nghiệp sẽ rút khỏi Việt Nam khi mức lương tăng lên và hội nhập ngày
càng sâu rộng. Không tạo ra được các giá trị trong nước, Việt Nam chắc chắn sẽ
gặp phải bẫy thu nhập trung bình”.
Một thực tế là, một đất nước muốn phát
triển công nghiệp chế tạo có giá trị công nghệ cao thì cần 2 yếu tố cơ bản hàng
đầu: nguồn nhân lực có chất lượng và cơ sở hạ tầng tốt.
So với các nước lân cận cạnh tranh trực
tiếp với Việt Nam, như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…, cơ sở hạ tầng của
chúng ta tụt hậu 25 - 40 năm. Chất lượng nguồn nhân lực cũng thấp hơn hẳn. Vậy
chúng ta có khả năng cạnh tranh công nghiệp công nghệ cao với họ trong trung
hạn thậm chí dài hạn hay không? Trong một thế giới phẳng, toàn cầu hóa và đất
nước hội nhập ngày càng sâu rộng, đồng thời với việc các hàng rào thuế quan lần
lượt bị xóa bỏ, thì việc hy vọng chúng ta xây dựng những thương hiệu Việt cho
ô-tô, điện tử, hay thép… để cạnh tranh với các nước lân cận là thiếu khả thi.
Khi tận mắt chứng kiến các nhà máy của
Trung Quốc sản xuất với quy mô khổng lồ, không chỉ sản xuất cho 1,3 tỷ dân
Trung Quốc, mà cho cả phần còn lại của thế giới, với phương châm “hiệu quả nhờ
quy mô”, tôi mới vỡ lẽ tại sao giá bán sản phẩm cùng loại của họ khi mang sang
Việt Nam còn rẻ hơn rất nhiều so với giá thành sản xuất của doanh nghiệp Việt.
Một thí dụ, một container 20 feet ngói Secoin do chúng tôi sản xuất vận chuyển
từ Hà Nội vào đến TP.HCM cước vận tải hết 15 triệu đồng (tương đương hơn 700
USD), trong khi mua ngói của Trung Quốc tiền cước vận chuyển từ cảng Hạ Môn về
cảng Sài Gòn (xa hơn 2 lần) chỉ 150 USD/container 20 feet. Cạnh tranh sao nổi
ngay từ khâu giá thành sản xuất đến vận tải.
Mặt khác, ngành công nghiệp phụ trợ của
Việt Nam rất yếu, thậm chí có thể coi như không có, nên mới có chuyện gần 100%
nguyên vật liệu phụ kiện dệt may phải nhập khẩu. Trong khi đó, tại Trung Quốc,
gần 100% nguyên vật liệu phụ kiện dệt may, da giày được sản xuất trong nước.
Các ngành chế tạo, lắp ráp ô tô hay điện tử cũng tương tự.
Đó là chưa kể tình trạng đầu tư theo
kiểu “phong trào”, dẫn đến những kết cục đau lòng như thị trường chứng khoán
thê thảm, thị trường bất động sản đã “bất động” để lại nhiều hệ lụy, rồi 90%
nhà máy xi măng và gạch ceramic thua lỗ và nhiều nhà máy dự kiến phá sản, nhiều
doanh nghiệp thép dự kiến sẽ phá sản trong năm 2012.
Ở đây, cần phải xem lại việc chọn ngành
nào để tập trung phát triển và coi đó như lợi thế cạnh tranh quốc gia và là nền
tảng để phát triển đất nước.
Theo BaoMoi