Nhìn nhận lại hoạt động của DNNN và các tập đoàn kinh tế, có
thể thấy rõ bài toán phân bổ nguồn lực lâu nay chưa hợp lý, cả trong cơ cấu
kinh tế nói chung và trong nội tại khu vực DNNN nói riêng, đây là vấn đề đáng
lo ngại.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hội thảo quốc tế
"Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)" tổ chức ngày 15/2, hiện
DNNN chỉ chiếm tỷ trọng 1% trong tổng số các DN trong nước, nhưng chiếm 39% - 45%
tài sản cố định và 25% vốn vay ngân hàng.
Nhìn nhận lại hoạt động của DNNN và các tập đoàn kinh tế, có
thể thấy rõ bài toán phân bổ nguồn lực lâu nay chưa hợp lý, cả trong cơ cấu
kinh tế nói chung và trong nội tại khu vực DNNN nói riêng, đây là vấn đề đáng
lo ngại.
Khó khăn từ những biến động mới
Cơ bản đồng thuận với cải cách DNNN như WB đề cập, ông Phan
Hoàng Đức, Phó Tổng Giám đốc VNPT khẳng định, đề án tái cấu trúc của VNPT sẽ
được trình lên Thủ tướng Chính phủ trong quý I, song thực tế cổ phần hóa (CPH)
vẫn phải tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung, có hướng dẫn cụ thể cho từng loại hình
DN, người lao động cần phải được quan tâm đặc biệt và có sự nghiên cứu kỹ
lưỡng.
Ông Phạm Viết Muôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo
đổi mới và phát triển DN thừa nhận, Việt Nam đã có hơn 20 năm cải cách DNNN,
đây là một quá trình đầy mâu thuẫn, trăn trở. Tuy nhiên, ở thời điểm này, việc
tái cấu trúc DNNN còn khó khăn hơn rất nhiều, vì nó liên quan đến các tập đoàn,
tổng công ty lớn và một số nhóm lợi ích của nền kinh tế. Chưa kể bối cảnh kinh
tế thế giới bất ổn, trong nước khó khăn, hệ thống tài chính quốc gia chưa đủ
mạnh, nhận thức của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị quản lý chưa cao khiến
thời gian CPH bị trì hoãn dễ vấp phải những xung đột lợi ích nhóm. Bên cạnh đó,
vấn đề giải quyết sắp xếp việc làm lao đông dôi dư, các khoản chi phí tái cấu
trúc DNNN (các khoản nợ phải thu khó đòi, khoản lỗ…) cũng là thách thức không
nhỏ nếu không xử lý tốt.
Đột phá từ cải cách thể chế
Về cái khó của tái cấu trúc DNNN, bà Victoria Kwakwa, Giám
đốc WB tại Việt Nam cho rằng, cải cách DNNN là phải cải cách cả cách thức quản
trị. Nghĩa là phải minh bạch, quyết liệt. Những lĩnh vực nào bức thiết cho phát
triển kinh tế và xã hội mà DN ngoài Nhà nước đủ sức làm, muốn làm và làm tốt,
thì DNNN phải sẵn sàng nhường sân. Chính phủ Việt Nam cần tách bạch hai nhiệm
vụ kinh doanh và công ích của DNNN trước khi CPH, giao, bán...
Khẳng định minh bạch, công khai là chủ trương Việt Nam theo
đuổi, ông Phạm Viết Muôn bày tỏ, yêu cầu đặt ra hiện nay khi tái cơ cấu DNNN là
cần thay đổi bản chất về quản lý kinh tế và được thực hiện trên cả phương diện
vĩ mô và vi mô. Hiện, công tác đổi mới, phát triển DN được thực hiện trên 5
lĩnh vực là ngành nghề, tài chính, quản trị doanh nghiệp, quản lý nhà nước, hệ
thống pháp luật. "Trong giai đoạn hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty có
thể tái cơ cấu bằng nhiều hình thức. Các DNNN có quá nhiều công ty con phải tự
giác tổ chức, sắp xếp lại theo hướng tập trung vào những ngành cốt lõi. Khi hoạt
động của DN không dàn trải, năng lực quản trị của DN tốt, xây dựng phương án và
thực hiện CPH sẽ thuận lợi"- ông Muôn khẳng định. Mới đây, Chính phủ đã có
công văn yêu cầu, muộn nhất là quý I/2012, các tập đoàn phải trình phương án
tái cơ cấu để tập trung vào nhiệm vụ và ngành nghề chính, kiên quyết dừng đầu
tư ngoài ngành trong các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm và chứng
khoán và phải hoàn thành thoái vốn trước năm 2015.
Tuy nhiên, việc tái cấu trúc, CPH DNNN cũng cần phải thay đổi
về phương thức bán cổ phần. Việc niêm yết trên TTCK sẽ góp phần tạo những áp
lực cho DNNN phải minh bạch, tự đổi mới khả năng quản trị và giảm sự phụ thuộc
vốn vào ngân hàng, cũng như đầu tư từ ngân sách.
Theo INFOTV