Ở phân khúc nhà ở xã hội, trường hợp làng sinh viên Hacinco
có thể coi là dự án bất động sản lớn nhất tại đất Bắc.
“Không ai dại như Hacinco đi xây nhà ở xã hội”, ông Nguyễn
Chí Sỹ, Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (viết tắt là Hacinco) nói
nhiều đồng nghiệp nhận định như vậy.
Chọn cách triển khai dự án với ít lợi nhuận hơn tại vị trí có
thể coi là “đất vàng” ở Thủ đô, chủ đầu tư dự án trên hiện cũng là một “dị biệt”
trên thị trường bất động sản.
Hoạt động “ngoài vòng pháp luật”
Sau nhiều thăng trầm, doanh nghiệp này đã thoát ra khỏi vòng
nợ nần với ngân hàng. Điều tưởng chừng là may mắn với nhiều doanh nghiệp bất động
sản tại thời điểm này, nhưng thực tế tại Hacinco có những nguyên nhân khác.
Theo ông Sỹ, hiện tại không những không phải vay vốn ngân
hàng để đầu tư, doanh nghiệp này lại… huy động thừa vốn và từng có thời
điểm phải gửi vào ngân hàng vì không có cơ hội sử dụng để đầu tư.
Ở giai đoạn nền kinh tế có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng
hoảng tài chính thế giới, thị trường bất động sản suy giảm cả về cầu và giá, việc
đứng ngoài nỗi lo chi phí đầu vào tăng nhanh hơn đầu ra, hàng ế không bán được,
hay cạnh tranh khốc liệt trên thị trường…, đối với Hacinco có thể coi là cái
may của doanh nghiệp.
Hơn nữa, trong lúc lãi suất lên cao, các ngân hàng khuyến mại
lớn cho người gửi tiền… ở tình thế của Hacinco cũng như chuyện “ngư ông đắc lợi”.
Nhưng, “doanh nghiệp thừa vốn là doanh nghiệp kém”, ông Sỹ thừa
nhận. Nguyên nhân dẫn đến bối cảnh hiện nay của Hacinco có liên quan đến một
câu chuyện khác, quản lý nhà nước.
Theo ông Sỹ, từ tháng 12/2005, công ty đã tiến hành hoàn tất
quá trình chuyển đổi doanh nghiệp sang công ty cổ phần và thực hiện thành công
đại hội cổ đông thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hacinco theo phương
án cổ phần được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt.
Chỉ còn “một bước nhỏ” là đăng ký kinh doanh theo luật doanh
nghiệp để hoạt động theo tư cách pháp nhân mới, song rất tiếc do một số bất đồng
quan điểm từ một số cán bộ cơ quan quản lý nên kết quả thực hiện cổ phần hóa
không được chấp nhận, Giám đốc Hacinco cho hay.
Đến 1/7/2010, thời điểm luật doanh nghiệp có hiệu lực thi
hành, khi mà toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước chưa kịp cổ phần hóa được “tạm”
chuyển thành công ty TNHH một thành viên, Hacinco cũng không có cái “may mắn” ấy
vì đã thực hiện lộ trình cổ phần hóa .
Cho nên, sau 7 năm “chờ một chữ cổ phần” như lời ông Sỹ, đến
nay doanh nghiệp này vẫn sử dụng đăng ký kinh doanh cũ, là doanh nghiệp nhà nước
mà Luật Doanh nghiệp Nhà nước đã hết hiệu lực nên thực tế là đang hoạt động
“ngoài vòng pháp luật”.
Bản chất dòng vốn cổ đông (công ty đại chúng) đã thực sự hoạt
trong công ty từ năm 2005, nhưng pháp nhân chưa phải công ty cổ đông và cũng
không còn là doanh nghiệp Nhà nước.
Cũng chính vì vấn đề thủ tục pháp lý, nhiều dự án bất động sản
của Hacinco bị đình trệ, công ty cũng không thể giao kết trong kinh doanh mạch
lạc trên thị trường, hay hợp tác kinh doanh với các đối tác khác.
Hơn 500 cán bộ, công nhân viên, nay đã thất tán, chỉ còn khoảng
300. Chảy máu lao động chất lượng cao do thiếu việc làm cùng môi trường bất an
đang là vấn đề Hacinco phải đối mặt. Giám đốc Sỹ cho biết, số công nhân hiện tại
hầu như chỉ sửa chữa, duy tu là chính.
Những rủi ro từ chậm cổ phần hóa
Có lẽ, trường hợp Hacinco là “dở khóc, dở cười” nhất, nhưng
cũng không hiếm doanh nghiệp nhà nước đã và đang gặp khó khăn trong cổ phần hóa
mà nguyên nhân chắc hẳn không chỉ là vấn đề pháp lý, định giá tài sản, hay xử
lý nợ…
“Trong 4-5 năm qua, quá trình cổ phần hóa đang chậm lại”, ông
Deepak Mishra, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới lưu ý tại một hội nghị về chủ
đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mới đây.
Báo cáo của Vụ Đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước (Bộ
Tài chính) cho hay, trong giai đoạn 2001-2011 đã sắp xếp được 4.757 doanh nghiệp,
trong đó cổ phần hóa 3.388 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp. Tính đến cuối
năm 2011, cả nước vẫn còn 1.309 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước.
Nhưng ngược chiều với sự chậm trễ kể trên, nhiều rủi
ro đối với nền kinh tế từ việc tiến trình cổ phần hóa chậm trễ, xét kể ở khía cạnh
hiệu quả đem lại cũng như rủi ro vĩ mô, đã được nhiều chuyên gia cảnh báo.
Theo dữ liệu được ông Deepak Mishra cung cấp, khối doanh nghiệp
nhà nước (không tính số doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối) chỉ chiếm 1%
nhưng nắm giữ 39% tổng nguồn vốn; 45% giá trị tài sản cố định; 27% các nguồn
vay từ ngân hàng…
Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2009 cho hay,
doanh nghiệp nhà nước phải sử dụng 2,2 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu,
trong khi doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng vốn và doanh nghiệp
FDI là 1,3 đồng vốn.
Hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước đã vậy, Bert
Hofiman, Kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới
lưu ý thêm: “Duy trì tỷ lệ nhất định doanh nghiệp nhà nước phần nào có thể tạo
rủi ro đối với ngân sách”.
Ở điểm này, câu chuyện Nhà nước phải trả nợ thay cho doanh
nghiệp, mà trường hợp nhà máy xi măng Đồng Bành đã từng được VnEconomy đề cập, có thể là một tham khảo. Hay,
chuyện không ít đơn vị có hệ số an toàn tài chính vượt ngưỡng nhiều lần mà báo
cáo giám sát của Quốc hội cũng đã từng đề cập hồi 2009.
“Vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là hiệu quả sử dụng các nguồn lực
do nhà nước đầu tư của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, ảnh hưởng tới chất lượng
tăng trưởng, phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư tại dự thảo đề án nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước phát
hành cuối năm ngoái cũng nhìn nhận như vậy.
Theo VnEconomy