Với tốc độ tăng cao, tăng liên tục trong 11 năm qua, vàng
không chỉ là kênh đầu tư gần như không có kênh nào sánh kịp, mà “vàng bỏ ống”
cũng có lãi. Liệu điều đó có lặp lại trong năm nay?
Dự đoán giá vàng ở trong nước xuất phát từ hai căn cứ. Đó là
sự lên, xuống của giá vàng trên thế giới và các yếu tố tác động ở trong nước.
Căn cứ thứ nhất để dự đoán giá vàng trong nước là xuất phát
từ giá vàng thế giới, bởi nguồn vàng ở trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu từ
nước ngoài và giá vàng thế giới tính bằng USD. Trong khi đó, giá vàng thế giới
lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trước hết, giá vàng thế giới được tính bằng USD, hơn nữa Mỹ
là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nên giá vàng thế giới phụ thuộc vào sức mạnh
của đồng USD. Sức mạnh của đồng USD lại phụ thuộc vào tình hình kinh tế Mỹ và Khu
vực đồng Euro. Kinh tế Mỹ đã có tín hiệu phục hồi, tăng trưởng đến từ những số
liệu lạc quan từ khu vực sản xuất và dịch vụ, lợi nhuận công ty, chỉ số sản
xuất cao, tiền công khu vực tư nhân tăng, lãi suất cho vay thế chấp thấp, doanh
số bán nhà tăng, niềm tin tiêu dùng cao hơn dự kiến. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ
đã thấp hơn nhiều so với dự đoán trước đây.
Thứ hai, giá vàng thế giới tăng, giảm còn do việc mua vào/bán
ra của các quỹ đầu tư, quỹ tín thác, ngân hàng trung ương các nước và các nhà
đầu tư lớn, kể cả người dân, nhất là người dân ở những nước mới nổi, như Trung
Quốc, Ấn Độ… Các yếu tố trên làm cho giá vàng biến động theo hình răng cưa. Vấn
đề quan trọng là, sự biến động này theo xu hướng tăng hay giảm.
Với việc phân tích như trên (giá USD tăng trên thị trường thế
giới), giá vàng trên thế giới năm 2012 sẽ đi ngang trong 6 tháng đầu năm và đi
xuống nhẹ trong 6 tháng cuối năm. Tính chung cả năm, sẽ dao động quanh mốc
1.700 USD/ounce, khó có thể vượt qua đỉnh điểm đã đạt vào năm ngoái.
Căn cứ thứ hai để dự đoán giá vàng ở trong nước là các yếu tố
tác động chủ quan, bởi lượng vàng nằm trong dân, ở các doanh nghiệp chế tác
kinh doanh, ở các ngân hàng thương mại… có khối lượng không nhỏ; bởi lạm phát
mấy năm nay lặp đi, lặp lại có tính chu kỳ; bởi sự biến động của tỷ giá
VND/USD…
Với khối lượng vàng 300-500 tấn ở trong dân có thể được coi
là khá lớn (tương đương 17,5-29,5 tỷ USD), bằng 15-25% GDP năm 2011 tính bằng
tỷ giá giao dịch thực tế. Lượng vàng này, nếu nằm im (tồn đọng), mà không được
khai thác để đầu tư trực tiếp cho sản xuất - kinh doanh, thì đó là sự lãng phí
lớn.
Lạm phát của Việt Nam có 2 đặc điểm lớn là cao hơn thế giới
và lặp đi, lặp lại có tính chu kỳ. Đây là một trong những yếu tố làm cho giá
vàng trong nước biến động nhanh, chậm, cao, thấp so với giá vàng thế giới, đồng
thời đến lượt nó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho lạm phát ở trong
nước cao hơn lạm phát thế giới, làm cho giá USD ở trong nước cao hơn giá USD ở
thế giới, nhất là đối với những đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam.
Sự biến động của tỷ giá VND/USD ở trong nước vẫn còn bị áp
lực lớn từ 2 yếu tố chính. (1) Trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam
luôn luôn ở vị thế nhập siêu; mục tiêu đến năm 2020 mới thăng bằng xuất, nhập
khẩu. Khi còn nhập siêu, thì không ít nhà hoạch định chính sách vĩ mô thường
nghĩ đến biện pháp tăng tỷ giá VND/USD để hạn chế nhập khẩu, khuyến khích xuất
khẩu. (2) Lạm phát của Việt Nam thường cao hơn gấp nhiều lần lạm phát của Mỹ đã
làm cho nhiều người nghĩ rằng, đồng VND lên giá so với USD.
Với những yếu tố trên, dự đoán giá vàng ở trong nước năm 2012
sẽ không có biến động lớn như thập kỷ qua, chỉ tương đương tốc độ tăng CPI
(dưới 10%); mức giá sẽ không vượt quá đỉnh điểm của năm ngoái.
Theo INFOTV