Mặt bằng lãi suất có thể giảm xuống do các ngân hàng “chiếu
dưới” ít có cơ hội huy động vốn.
Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không công bố danh sách phân
loại các ngân hàng theo từng nhóm cụ thể, thông tin này cũng dần hé mở do những
ngân hàng “chiếu trên” chủ động thông tin. Mặt bằng lãi suất có thể giảm xuống
do các ngân hàng “chiếu dưới” ít có cơ hội huy động vốn.
Ngày 21.2, tổng giám đốc ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB)
Nguyễn Văn Lê cho biết, ngân hàng này vừa được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín
dụng 15% trong năm nay. Điều này đồng nghĩa, SHB được xếp ở nhóm 2 trong “bảng
xếp hạng” của NHNN.
Trước đó, một số ngân hàng cũng đã chính thức công bố vị trí
được NHNN phân loại của mình, như ở nhóm 1 có ACB, MB, Maritime Bank, VIB Bank,
VP Bank (được tăng trưởng tín dụng ở mức cao nhất là 17%); ở nhóm 2 có Nam Á,
Đại Á...
Hoàn toàn dễ hiểu khi những ngân hàng chủ động thông tin về
vị trí của mình đều thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2, như một lời khẳng định về chất
lượng tín dụng cũng như uy tín, thương hiệu… Ngược lại, những ngân hàng cuối
bảng thường ngại ngần khi phải thừa nhận. Nhiều lãnh đạo ngân hàng đã từ chối
câu hỏi của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị về mức tăng trưởng tín dụng được NHNN
giao cho năm nay (với lý do chưa nhận được); từ chối luôn cả câu hỏi về mục
tiêu, kế hoạch doanh thu, lợi nhuận với lý do còn phải chờ ý kiến của đại hội
cổ đông.
Tuy nhiên, thị trường không quá khó để tìm câu trả lời, khi
các ngân hàng ở nhóm 1, nhóm 2 tới đây sẽ tiếp tục công bố vị trí của mình. Bản
thân các ngân hàng, dù ở nhóm nào cũng sẽ phải báo cáo đại hội đồng cổ đông về
hoạt động năm tới, trong đó không thể thiếu con số dự kiến về tăng trưởng tín
dụng. Do đó, dù úp mở, thị trường cũng sẽ biết. Một trong những khả năng dễ xảy
ra là cơ hội huy động vốn của những ngân hàng ở nhóm 4 có thể bị thu hẹp. Trong
khi ngược lại, những ngân hàng có vị thế, đã và đang dồi dào vốn, nay lại càng
có điều kiện thu hút tiền gửi của dân cư.
Vietcombank, mức lãi suất cho vay thấp nhất của ngân hàng này
hiện chỉ còn 14,5%/năm, gần bằng với lãi suất huy động tối đa (14%/năm).
Vietinbank cũng quyết định giảm mặt bằng lãi suất, trong đó mức lãi suất thấp
nhất là 15,8%/năm (dành cho doanh nghiệp xuất khẩu). Đây đều là những ngân hàng
mà dù NHNN không công bố, thị trường cũng đã đồn đoán là thuộc nhóm 1.
Phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân
Nghĩa, nhận định, việc một số ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho thấy, bản thân
các ngân hàng này khá dồi dào về vốn. Cùng với đó, tạo ra dấu hiệu cho thị
trường về xu hướng giảm mặt bằng lãi suất. Ông Nghĩa cho rằng, chính sách phân
chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo nhóm góp phần mở ra cơ hội giảm mặt bằng lãi
suất. Những ngân hàng ở nhóm cuối sẽ không dám huy động vốn ồ ạt bằng cách nâng
lãi suất huy động lên cao, thị trường ngân hàng sẽ hạn chế được tình trạng chạy
đua lãi suất huy động, từ đó, hạ nhiệt mặt bằng lãi suất cả huy động và cho
vay.
Theo INFOTV