Không chỉ còn nghe ngóng mà một số ngân hàng lớn đã chính thức nhập cuộc
giảm lãi suất cho vay. Tính đến thời điểm này đã có 4 ngân hàng thương mại lớn
công bố giảm lãi suất cho vay là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank.
Ông lớn nhập cuộc
Kể từ ngày 22/2, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (Agribank) chính thức giảm lãi suất cho vay cho mọi đối tượng vay
vốn, với mức giảm khá mạnh từ 1 - 1,5%. Trong các lãi suất cho vay của
Agribank, lãi suất thấp nhất đã gần ngang lãi suất huy động, còn cao nhất cũng
chưa đến 20%.
Cụ thể, đối với cho vay ngắn hạn, các hộ sản xuất nông - lâm - ngư - diêm
nghiệp lãi suất thấp nhất là 15,5%. Cho vay thu mua chế biến để xuất khẩu nông
sản là 14,5%, thu mua và chế biến tiêu dùng trong nước là 16,5%. Cho vay kinh
doanh các ngành nghề khác thấp nhất là 17%.
Đối với cho vay trung và dài hạn, đối với các hộ nông dân thấp nhất là
17%; cho vay thu mua chế biến xuất khẩu ở mức 17,5%, cho vay cung ứng, dịch vụ
kỹ thuật nông nghiệp là 18%, đối với các ngành nghề khác là 18,5%. Đối với cho
vay dài hạn thấp nhất là 19%.
Riêng với lĩnh vực sản xuất phi sản xuất thuộc diện không khuyến khích,
lãi suất cho vay thấp nhất là 19%.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch hội đồng thành viên Agribank cho biết, việc
giảm lãi suất cho vay trên diện rộng, đối với hầu hết khách hàng vay vốn là sự
chia sẻ lợi ích tài chính của Agribank đối với cộng đồng khách hàng mà chủ yếu
là các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện
cho các hộ sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn vốn vay của Agribank để
sản xuất kinh doanh các ngành nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn.
Để thực hiện cho vay có hiệu qua, Agribank đã xây dựng các chương trình
cho vay rất cụ thể theo từng chương trình sản xuất kinh doanh của từng lĩnh
vực, cây con, vùng chuyên canh lớn. Cụ thể, cho vay hộ nông dân 10.000 tỷ,
ngành lương thực 20.950 tỷ, thủy sản 12.100 tỷ, cà phê 3.800 tỷ, cao su 2.300
tỷ, chăn nuôi gia súc, gia cầm 13.300 tỷ….
Trước Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank cũng đã công bố hạ lãi
suất vay vốn đối với VND. Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã triển
khai chương trình cho vay ưu đãi xuất khẩu với lãi suất thấp hơn thông thường
0,5%. ACB đã chuẩn bị sẵn một nguồn vốn 100 triệu USD để thực hiện chương trình
này.
Mặt bằng lãi suất sẽ giảm?
Theo đánh giá từ ông Nguyễn Ngọc Bảo, với 4 ngân hàng lớn là Agribank,
Vietinbank, BIDV và Vietcombank hiện chiếm 55 - 60% thị phần tín dụng. “Bốn
ngân hàng này cộng với nhiều ngân hàng có chất lượng tốt đều nằm ở nhóm 1, tôi
tin rằng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm dần trong thời gian ngắn.” - ông Bảo
khẳng định.
Ông Bảo cho biết thêm, tổng số vốn cho vay tăng thêm trong năm 2012 của
Agribank khoảng 54.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2011. Trong đó, cho vay
ngắn hạn tăng thêm trong năm 2012 là khoảng 44.000 tỷ đồng phục vụ chi phí sản
xuất - kinh doanh; vốn trung, dài hạn tăng thêm 10.000 tỷ đồng, tập trung vào
đầu tư các nhà máy sản xuất, chế biến nông thủy sản, chăn nuôi với công nghệ
cao; chương trình cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông
sản, thủy sản; cho vay kinh tế trang trại và hộ sản xuất.
Agribank dự kiến tổng dư nợ cho vay tăng trưởng khoảng 10% so với năm
2011. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng 15% - 18%; chiếm tỷ trọng hơn
70%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Bên cạnh đó, Agribank sẽ giảm dư nợ và tỷ
trọng cho vay phi sản xuất (đối với lĩnh vực bất động sản và cho vay tiêu
dùng), tập trung chủ yếu vào cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Cũng theo ông Bảo, ông đặt niềm tin vào việc giảm lãi suất huy động trong
thời gian tới. Và trước khi lãi suất huy động giảm, một ngân hàng tiên phong sẽ
thực hiện nhiều biện pháp tiết giảm chi phí, đồng thời chấp nhận giảm một phần
lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay. Với Agribank, ngân hàng này sẽ tập trung thu
hồi nợ xấu, nợ bất động sản, nợ tiêu dùng để chuyển sang cho vay nông nghiệp
nông thôn. Đặc biệt, đối với bất động sản sẽ cùng với các khách hàng cơ cấu lại
dự án, thậm chí bán, chuyển đổi để thu hồi nợ.
Còn theo ông Tai Hui, Trưởng bộ phận Nghiên cứu khu vực Ðông Nam Á, trực
thuộc đội Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered: “Lạm phát đang
giảm dần và chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ lạm phát cơ bản sẽ quay lại mức 1 chữ số
vào cuối của nửa đầu 2012. Việc ổn định tỷ giá đồng Việt Nam cũng đóng góp vào
việc bình ổn giá cả mặc dù khả năng tăng giá điện có thể dẫn tới việc lạm phát
tăng trở lại. Việc lạm phát giảm có thể tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam (NHNN) hạ lãi suất cho vay, mặc dù NHNN đã cam kết tiếp tục thắt chặt
các chính sách tiền tệ ít nhất là cho đến hết Quý 1/2012”.
Theo DanTri