Các công ty Thụy Điển, vốn không chịu nhiều ảnh hưởng của
cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, song lại tỏ ra không thích thú trước mô hình kinh
tế hướng nội của nước mình mà muốn cải cách để tăng sức cạnh tranh, đồng thời
muốn sử dụng đồng euro.
"Tôi nghĩ Thụy Điển nên gia nhập nhóm đồng tiền chung
châu Âu... Chúng ta đã hưởng lợi khá nhiều từ một thị trường đơn lẻ, vốn không
thể bền vững nếu thiếu một đồng tiền duy nhất," Urban Baeckstroem, lãnh
đạo Liên đoàn Các doanh nghiệp Thụy Điển, tổ chức đại diện cho 60.000 công ty
nói với AFP.
Thụy Điển, vốn là thành viên Liên minh châu Âu, đã bác bỏ
việc gia nhập đồng tiền trung trong một cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2003 và
Baeckstroem thừa nhận họ "chưa mất thứ gì cả" thông qua việc đứng
ngoài đồng tiền của khối.
Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 12, gần 9/10 người Thụy Điển
muốn chính quyền tiếp tục giữ đồng krona. "Đây không phải là vấn đề ngắn
hạn cho Thụy Điển mà là dài hạn," Baeckstroem nói.
Nếu Thụy Điển muốn tiếp tục cạnh tranh về lâu dài, các công
ty nói rằng nước này phải hành động sớm, không chỉ qua việc đón nhận đồng euro,
mà còn phải cải cánh hệ thống phúc lợi chu cấp đầy đủ từ khi sinh tới khi qua
đời, vốn được xem là gánh nặng lớn đặt lên sự mềm dẻo của các doanh nghiệp.
Nhiều người nói rằng vấn đề là chính quyền liên minh trung
hữu của ông Fredrik Reinfeldt đã thể hiện thái độ phản kháng với việc cải cách,
kể từ khi họ lên nắm quyền hồi năm 2006. "Họ chẳng phải làm nhiều vì họ
chẳng hứa gì nhiều," bà Elisabeth Thand Ringqvist pha trò. Bà là lãnh đạo
Liên đoàn Các chủ doanh nghiệp Thụy Điển, tổ chức đại diện khoảng 70.000 doanh
nghiệp.
Khi tờ Financial Times gọi Anders Borg của Thụy Điển là bộ
trưởng tài chính giỏi nhất thế giới hồi năm ngoái, Thand Ringqvist, người từng
làm cố vấn tại Bộ doanh nghiệp Thụy Điển trong giai đoạn 2006 - 2010 đã nói
rằng bà cảm thấy Borg chẳng làm gì mấy, chỉ mó tay vào chỗ này 1 tí, sờ chỗ
khác một tẹo.
Bà Thand Ringqvist nói rằng câu hỏi thực sự là Thụy Điển phải
làm gì trong vòng 10 năm tới. Và bà chỉ ra rằng câu trả lời chính là chính phủ
phải nới lỏng quy định luật pháp đang khóa người dân ở trong nước. Bà nhấn mạnh
rằng luật lao động hiện nay khiến người Thụy Điển khó đổi việc và nơi ở.
Reinfeldt gần đây đã đề xuất giúp người dân thay đổi sự
nghiệp ở tuổi 50. Nhưng Ringqvist chỉ ra rằng luật lao động hiện nay sẽ cản
bước điều này, do người lao động đổi công ty sau 20 năm làm việc sẽ mất toàn bộ
các lợi ích thâm niên, vốn có thể giúp họ khỏi bị sa thải.
Reinfeldt cũng đã đề nghị đưa tuổi nghỉ hưu của Thụy Điển từ
65 lên 75, nhưng đã vấp phải nhiều chỉ trích. "Sao không đẩy lên 85 luôn
cho rồi," Baeckstroem pha trò. Ông nhấn mạnh rằng điều quan trọng là
khuyến khích thanh niên lao động, thay vì buộc người dân phải làm nhiều hơn.
Baeckstroem cho biết cách đây không lâu, người Thụy Điển
trung bình bước vào lực lượng lao động ở tuổi 21 và ngày nay, mức trung bình đã
là 28. Ông chỉ trích chính phủ đã không tận dụng nền kinh tế đi lên để giảm
thuế cho dân, hiện vẫn nằm ở nhóm cao nhất thế giới, hay cải tổ thị trường lao
động. "Yếu tố cốt lõi là không phải đánh thuế cao mà tăng doanh thu
cao," ông nói và chỉ ra mô hình phúc lợi toàn vẹn của Thụy Điển nhờ đánh
thuế nặng có thể duy trì ổn định nếu người ta chỉnh sửa vài thứ.
Ông kêu gọi việc cải thiện không khí kinh doanh tại Thụy Điển
cho các doanh nghiệp nhỏ. Cuối tháng 1 năm nay, lãnh đạo công đoàn Stefan
Loefven đã lên nắm ghế Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội, vốn đã ở phe đối lập và
lâm vào khủng hoảng từ năm 2006, sau gần một thập kỷ gây ảnh hưởng trên chính
trường Thụy Điển và giám sát việc tạo nên nhà nước phúc lợi Thụy Điển.
Theo Baeckstroem, sự xuất hiện của một người đã tập trung
mạnh vào các vấn đề lao động tại đảng đối lập có thể là một điều tốt và Loefven
có thể "buộc chính phủ phải thực hiện biện pháp cải cách".
Theo INFOTV