|
Bình luận trên tờ Bưu điện Jakarta, Giám đốc điều hành Ngân hàng Đầu tư UBS, ông Paul Donovan cho rằng trong một thế giới hoàn hảo (do các nhà kinh tế điều hành) thì hẳn là đồng euro sẽ không được thiết lập.
Song, đáng buồn là thế giới không hoàn hảo và kết quả là một liên minh tiền tệ với nhiều thiếu sót trong cách quản lý vẫn được thành lập.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở Tây Ban Nha vọt lên mức 50%, trong khi GDP Hy Lạp đã suy giảm 4 năm liên tiếp và dự kiến sẽ tiếp tục giảm sút năm thứ năm trong năm 2012, nhưng các quốc gia khu vực đồng euro (Eurozone) vẫn chia sẻ lãi suất và tỷ giá chung với Đức, nền kinh tế có mức tăng trưởng tích cực và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 20 năm. Đây là một thực tế không thể thay đổi, dù cái mà Hy Lạp cần rất khác với Đức.
Câu hỏi được đặt ra là liệu khu vực đồng euro có sụp đổ? Ông Donovan bày tỏ hy vọng kịch bản này sẽ không xảy ra, bởi hậu quả của nó sẽ vô cùng nghiêm trọng. Theo ông Donovan, những bất ổn xã hội phải đối mặt hiện nay chỉ là rất nhỏ so với những bất ổn có thể xảy ra trong trường hợp Eurozone tan rã.
Vậy điều gì sẽ xảy ra? Câu trả lời là rất khó xác định. Song, ông Donovan dự kiến một cuộc suy thoái có thể xảy ra trong năm nay và mức độ tồi tệ của cuộc suy thoái này phụ thuộc vào khả năng xoay xở của ngành ngân hàng.
Hiện nay các ngân hàng ngày càng không muốn cho vay và điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên sau tất cả các nguy cơ mà họ phải đối mặt trong 6 tháng qua. Tuy nhiên, tăng trưởng cho vay yếu đi sẽ tác động tiêu cực đến một số nền kinh tế đặc biệt khó khăn.
Trong khi đó, Đức, quốc gia có tiếng nói nhất tại Eurozone, lại luôn thúc giục tiến hành các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để kiểm soát thâm thủng ngân sách và giảm nợ công.
Khi hoạt động cho vay bị thu hẹp cộng thêm việc các chính sách khắc khổ được tiến hành, hậu quả xảy ra sẽ là tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên Eurozone rơi vào vùng tiêu cực, kể cả các nước như Pháp, Italia, Tây Ban Nha sẽ đều phải chứng kiến sự suy giảm trong hoạt động kinh tế.
Câu hỏi tiếp theo là những biến động tại Eurozone có tác động như thế nào tới châu Á, khu vực được nhiều chuyên gia đánh giá là "đầu tàu" tăng trưởng của kinh tế thế giới. Theo ông Donovan, có 3 lý do để các doanh nghiệp châu Á cần theo dõi sát kịch bản về khu vực đồng euro.
Thứ nhất: Eurozone quá lớn
Eurozone là thị trường quan trọng thứ hai đối với châu Á, sau Mỹ, khi hơn 1/3 hàng hóa xuất khẩu của của các nước thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) là xuất sang Eurozone.
Nếu khu vực đồng euro rơi vào suy thoái, kinh tế tăng trưởng yếu, nhu cầu đối với hàng hóa sẽ giảm sút. Theo đó, các nền kinh tế châu Á, vốn dựa nhiều vào xuất khẩu, sẽ phải điều chỉnh lại mô hình tăng trưởng cho phù hợp.
Thứ hai: Eurozone hoạt động tương tác mang tính toàn cầu
Các thể chế tài chính tại khu vực đồng euro đã tồn tại trong nền kinh tế toàn cầu hàng thập kỷ nay. Trao đổi thương mại toàn cầu, đặc biệt là hoạt động trao đổi thương mại của châu Á là do các ngân hàng tại Eurozone cung cấp tài chính.
Một khi các ngân hàng tại Eurozone rút vốn và tập trung vào thị trường nội khối, châu Á sẽ phải tìm một nguồn tài trợ vốn khác, một vấn đề không hề dễ dàng.
Bên cạnh đó, khu vực đồng euro còn có mối tương tác với các nền kinh tế khác trên thế giới. Hiện Eurozone chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu bên ngoài Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) của Mỹ.
Mặc dù Mỹ có thể không phải là nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, song Eurozone suy thoái chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ và qua đó tác động đến kinh tế châu Á.
Bởi vì một nền kinh tế toàn cầu hóa có sự đan xen phức tạp giữa các mạng lưới thương mại và liên kết tài chính, những gì xảy ra tại Eurozone rõ ràng cũng gây ra những tác động mang tính toàn cầu.
Thứ ba: Eurozone là một khu vực giàu có
Dựa trên sự giàu có của mình, Eurozone nắm giữ vai trò là nhà đầu tư trong phần còn lại của thế giới. Song trước sức ép chính trị, các ngân hàng và thể chế tài chính tại Eurozone đang ngày càng tập trung vào thị trường nội khối.
Ông Donovan dự kiến trong những năm tới, các khoản đầu tư từ khu vực đồng euro vào các doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, trái phiếu của châu Á có thể giảm sâu.
Nền kinh tế của Eurozone đang rơi vào tình trạng lộn xộn, gây sự chú ý cho cả thế giới. Ông Donovan dự kiến tốc độ tăng trưởng chậm chạp sẽ đi kèm với những cải cách của khu vực này và sự thay đổi trong mối quan hệ giữa Eurozone và phần còn lại của thế giới sẽ rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Theo Vietnam+
|