Sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bất chấp tác động xấu do 2 cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu (2008 và 2011), dệt may Việt Nam là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định, đóng vai trò quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong cạnh tranh quốc tế, đây cũng là ngành mà Việt Nam có thế mạnh.
Kim ngạch và thị phần tăng cao
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tham gia vào sân chơi WTO đã tạo ra những tác động tích cực cho dệt may Việt Nam và rõ nét nhất là tăng tưởng xuất khẩu và tăng thị phần xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới.
Cụ thể, năm 2011, mặc dù chịu tác động mạnh từ cuộc suy thoái kinh tế, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này vẫn đạt 15,8 tỷ USD, duy trì mức tăng trưởng ấn tượng 25% so với năm 2010. Trong 2 tháng đầu năm 2012, kim nghạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ước đạt 1,575 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái và đến nay nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng cho quý II và đang tiếp tục nhận đơn hàng quý III năm nay.
Xét về thị phần, tính đến nay hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó thị truờng nhập khẩu Hoa Kỳ đứng đầu với kim ngạch khoảng 6,872 tỷ USD trong năm 2011, tăng trưởng hơn 12% so với năm 2010, tiếp theo là EU đạt 2,5 tỷ USD, tăng 33% và con số này là 1,68 tỷ USD, tăng 45% tại thị trường Nhật Bản.
Thực tế cho thấy, gia nhập WTO và ký kết các FTA, cùng với các ngành kinh tế khác, dệt may có điều kiện hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đẩy mạnh xuất khẩu do các rào cản thương mại như hạn ngạch dệt may vào Hoa Kỳ và các nước đã được dỡ bỏ, bình đẳng về thuế quan giữa các nước thành viên, cơ hội tiếp cận công nghệ, thông tin, các dịch vụ đựơc tốt hơn,…
Đáng lưu ý, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Canada, Trung Đông và giảm sự phụ thuộc vào các thị trường chính. Đơn cử như xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đã tăng gấp đôi, đạt kim ngạch 904 triệu USD trong năm 2011.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, quá trình hội nhập cũng đem lại một số biến đổi tích cực cho ngành dệt may xét trên lĩnh vực giải quyết công ăn việc làm (khoảng 2 triệu lao động), nâng cao tay nghề cho người lao động giúp dệt may Việt Nam đáp ứng được nhiều đơn hàng phức tạp, tinh xảo, phần nào gây dựng được uy tín và thương hiệu trên thị trường thế giới.
Nâng cao hơn năng lực cạnh tranh
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, bên cạnh những thành tựu thì quá trình hội nhập cũng mang đến nhiều thách thức cho các DN Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Và nếu doanh nghiệp không đầu tư, tính toán cân nhắc đến chiến lược, chiến thuật kinh doanh một cách lâu dài, chắc chắn các doanh nghiệp của ta sẽ dần để mất tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo đó, lợi thế về lao động không còn là ưu thế nổi trội của Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng như một số nước khác trên thế giới như Bangladesh, Mehico, Ấn Độ, Sri Lanka... Ngoài ra, hiện ngành dệt bị bỏ lửng trong cuộc đua giành lợi nhuận của ngành may. Ngành dệt của Việt Nam vốn còn rất non kém, lại chưa được chú trọng đầu tư đúng mức vì vốn đầu tư ban đầu quá lớn. Các doanh nghiệp tập trung tìm kiếm đơn hàng cho ngành may vốn đem lại lợi nhuận tức thì. Kết quả là Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn và nguyên phụ liệu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, nội tại bản thân các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm quen và thích ứng được với nhiều phương thức sản xuất kinh doanh mới (FOB, ODM, OEM, OBM) dẫn đến giá trị sản phẩm làm ra còn thấp, giá trị gia tăng không cao.Việc xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm dệt may Việt Nam vẫn chưa thực sự có tương lai rõ ràng và cụ thể trong một thời gian gấn.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dự báo trong thời gian tới, cạnh tranh trên thị trường thế giới đối với hàng dệt may sẽ căng thẳng hơn. Nhiều nước trên thế giới đang tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng dệt may để cạnh tranh. Trong khi đó, khủng hoảng tài chính toàn cầu đang làm giảm đáng kể nhu cầu đối với hàng dệt may. Yếu tố này cùng với việc Trung Quốc được Hoa Kỳ và EU bái bỏ chế độ hạn ngạch, hàng dệt may của ta sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc và các nước như Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka.
Để vượt qua các thách thức, tận dụng các cơ hội do việc gia nhập WTO và các cam kết tự do hoá thương mại đem lại, theo các chuyên gia kinh tế, các DN dệt may Việt Nam cần chú trọng nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm thông qua cải tiến công nghệ, mẫu mã, từng bước chuyển đổi phương thức từ gia công sang các hình thức cao cấp và chuyên biệt hơn như FOB, ODM... Đồng thời tăng cường đầu tư nâng cao năng lực cho ngành dệt, nhuộm - hoàn tất nhằm dần dần đáp ứng nhu cầu vải và nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất.
Đặc biệt, các DN cần tăng cường áp dụng các công nghệ quản lý cao cấp nhằm tăng năng suất lao động. Chỉ như vậy mới thực sự giúp các doanh nghiệp có thể giảm giá thành, cải thiện doanh thu, chăm lo cho người lao động và cạnh tranh thắng lợi trong cuộc chơi đầy khốc liệt này.
Theo VEN.vn