|
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của đồng USD trong thương mại toàn cầu. Hàng thập kỷ nay, việc sử dụng đồng USD trong trao đổi thương mại quốc tế đã trở thành một tập quán quốc tế.
Tuy nhiên, điều này đang thay đổi. Sự trỗi dậy của nhiều thực thể kinh tế mới cùng những đồn đoán về khả năng đổi ngôi trong trật tự tài chính quốc tế đã kéo theo vô số đồn đoán về sự xuống dốc của “đế chế” USD. Song, đồng tiền nào sẽ thay thế USD thì chưa ai dám khẳng định.
Đã từng có người cho rằng, đồng Euro sẽ thay thế USD, nhưng cuộc khủng hoảng nợ công cho thấy điều này là vô vọng. Có người khác lại đồn rằng, đồng Yên Nhật sẽ vượt lên, song đây cũng đã trở thành điều viển vông, đặc biệt là sau khi Nhật Bản phải trải qua thảm họa kép động đất, sóng thần tháng 3/2011.
Các quan điểm gần đây nhất là đồng Nhân dân tệ và đồng Rúp Nga, nhưng cả hai đồng tiền này cũng chưa thể gọi là đối thủ xứng tầm của USD.
Dẫu vậy, thì vẫn có chuyên gia tin tưởng rằng, đế chế USD đang suy yếu và đã manh nha ở một số chỗ, một số thời điểm những thỏa thuận thương mại quốc tế sử dụng đồng tiền khác ngoài USD.
Biên tập viên Michael Snyder của trang Economic Collapse mới đây đã đưa ra 10 lý do nhằm tăng thêm tính thuyết phục của luận điểm trên. Các lý do của Snyder được tập hợp trên cơ sở các tin tức xác thực và cả đánh giá chủ quan của tác giả.
1. Trung Quốc và Nhật Bản đang hạ gục đồng USD trong thương mại song phương
Theo trang Vesti Economica, Nhật Bản và Trung Quốc đã thỏa thuận sử dụng các đồng bản tệ của mình thay thế đồng USD trong khuôn khổ thương mại hai chiều. Thỏa thuận đạt được vào ngày 25/12/2012, trong cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Nhật Bản - Yoshihiko Noda và Thủ tướng Trung Quốc - Ôn Gia Bảo tại Bắc Kinh.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bình luận trên trang web chính thức của họ rằng hợp tác Trung - Nhật trong tài chính sẽ làm giảm thiểu rủi ro tỷ giá và giảm chi phí giao dịch cho cả hai bên.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng cho biết họ ủng hộ việc xây dựng thị trường giao dịch trực tiếp nhân dân tệ và đồng Yên, đồng thời cho phép các công ty Nhật Bản phát hành trái phiếu nhân dân tệ ở Nhật và các thị trường nước ngoài khác, cũng như tiến hành một chương trình thử nghiệm phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ thông qua Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) ở Trung Quốc đại lục.
Theo trang mạng MarketWatch, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Kim ngạch buôn bán hai chiều đạt mức 26,5 nghìn tỷ Yên (340 tỷ USD) trong năm 2010, so với chỉ 9,2 nghìn tỷ Yên 10 năm trước. Hiện giờ Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang là những nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới.
2. Các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) dự định bắt đầu dùng đồng nội tệ của họ khi giao dịch với nhau.
Theo IMF, với dân số chiếm hơn 30% tổng dân số thế giới, GDP của BRICS đạt 13.600 tỷ USD trong năm 2011, chiếm 19,5% GDP toàn cầu. Doanh số thương mại giữa các nước BRICS trong giai đoạn từ năm 2001 - 2010 tăng trung bình 28 %/năm và đạt 239 tỷ USD vào năm 2010, chiếm tỷ trọng khá lớn của thương mại toàn cầu.
Theo báo cáo của chuyên gia O'Neill năm 2003, cấu trúc kinh tế thế giới sẽ được sắp xếp lại vào 2050 khi BRICS trở thành khối kinh tế vượt các nước phương Tây phát triển. BRICS đang trở thành trung tâm thu hút dòng vốn nhàn rỗi quốc tế, một minh chứng cho tính cạnh tranh ngày càng gia tăng BRICS.
Các nền kinh tế BRICS đang có động lực tăng trưởng mạnh mẽ đến độ các chuyên gia dự báo sức mạnh kinh tế của BRICS thậm chí có thể vượt qua các nước phát triển. Với sự trỗi dậy của BRICS, quyền lực của trật tự kinh tế quốc tế hiện hành với sự thống lĩnh của các cường quốc phương Tây chắc chắn sẽ được chuyển đổi.
3. Thỏa thuận tiền tệ Nga, Trung Quốc đã đạt được từ hơn một năm trước.
Phát biểu hôm 23/11/2010, Thủ tướng Nga Vladimir Putin tuyên bố, "về những thỏa thuận mậu dịch, chúng tôi quyết định sử dụng đồng tiền của mình". Các chuyên gia Trung Quốc cho biết, động thái này phản ánh sự quan hệ gần gũi hơn giữa Bắc Kinh và Moscow và không nhằm thách thức đồng USD mà chỉ bảo vệ nền kinh tế nội địa.
Nga và Trung Quốc đã quen sử dụng những đồng tiền khác, đặc biệt là USD cho thương mại song phương. Kể từ khi khủng hoảng tài chính nổ ra, các quan chức hai nước đã bắt đầu khám phá những khả năng khác, trong đó có việc sử dụng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng Rúp của Nga.
4. Việc sử dụng đồng Nhân dân tệ ở châu Phi đang tăng lên.
Mới hôm qua (26/3/2012), Tổng thống Nam Phi, Jacob Zuma, cho biết sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS với chủ đề “Quan hệ đối tác BRICS đối với sự ổn định, an ninh và thịnh vượng toàn cầu” được tổ chức vào ngày 28 – 29/3 ở Ấn Độ. Tại đây, Nam Phi sẽ kêu gọi các nước sử dụng Nhân dân tệ thay thế USD trong cấu trúc tài chính thế giới, đặc biệt là trong thương mại và đầu tư ở các thị trường mới nổi.
Theo báo cáo của ngân hàng lớn nhất châu Phi, Standard Bank, việc sử dụng Nhân dân tệ thay USD sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp châu Phi khi kinh doanh với các thành viên BRICS khác do giảm bớt chi phí và xóa bỏ các rào cản thương mại. Đồng thời, việc sử dụng Nhân dân tệ sẽ tăng cường vị trí của Nam Phi trong BRICS, do BRICS sẽ có cơ hội thâm nhập vào các thị trường lớn trong toàn bộ lục địa châu Phi.
Theo Standard Bank, ít nhất 100 tỷ USD giá trị các giao dịch thương mại song phương giữa Trung Quốc và châu Phi sẽ được thanh toán bằng Nhân dân tệ từ nay tới năm 2015. Việc sử dụng Nhân dân tệ ở các nền kinh tế mới nổi không chỉ thách thức đồng USD mà còn thách thức toàn bộ các tổ chức tài chính quốc tế khác, bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
5. Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất thỏa thuận dùng tiền của họ khi trao đổi hợp đồng dầu lửa.
6. Iran là một trong những quốc gia đi đầu trong việc loại bỏ đồng USD khỏi thương mại quốc tế.
Hôm 28/2/2012, hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA đưa tin nước này sẽ dùng vàng trong giao dịch mua bán dầu thô và các hàng hóa khác nhằm tránh các biện pháp trừng phạt của quốc tế. Theo ông Mahmoud Bahmani, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran, ngoài đồng USD và đồng tiền của các khách hàng, Iran có thể đưa vàng vào các giao dịch thương mại.
Trong những tháng gần đây, Mỹ và Liên minh Châu Âu thắt chặt cấm vận tài chính khiến Iran gặp khó khăn khi thu hồi số tiền có được từ xuất khẩu dầu thô. Đồng rial của Iran đã mất giá khoảng 30% kể từ tháng 10/2011, đẩy giá hàng nhập khẩu lên cao. Điều đó buộc Tehran phải xem xét các phương thức thanh toán khác trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Hiện tại, Iran đã bắt đầu nhận đồng Rupee (Ấn Độ) và đồng Nhân dân tệ (Trung Quốc), hai khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Iran. Ngoài tiền, Iran cũng chấp nhận đổi hàng trực tiếp với Ấn Độ và Trung Quốc. Bên cạnh Ấn Độ và Trung Quốc, giới doanh nhân Iran cho biết nước này cũng đạt được thỏa thuận giao dịch bằng đồng tiền riêng với Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trước đó, tờ “Thời báo Kinh tế" (Ấn Độ) hôm 8/1/2012 đưa tin, nhằm bảo đảm nguồn cung dầu mỏ từ Iran để phục vụ nền kinh tế "đói" năng lượng, Ấn Độ có thể tạm thời thực hiện phương án đổi vàng lấy dầu mỏ cho tới khi hai nước thoả thuận được về đồng tiền thanh toán và ngân hàng chuyển khoản.
7. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Saudi Arabia.
Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu mỏ nhiều nhất từ Saudi Arabia. Trong tháng 2, Trung Quốc đã nhập 1,39 triệu thùng dầu mỗi ngày từ quốc gia này, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.
8. Liên hiệp quốc đang thúc đẩy đưa ra một đồng tiền dự trữ thế giới mới.
9. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đang thúc đẩy đưa ra một đồng tiền dự trữ thế giới mới.
10. Nhiều nước trên thế giới “ghét” Mỹ.
Theo VnEconomy
|