Bốn tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 17,4 tỷ, tăng khoảng 26% so với cùng kỳ, trong khi đó, khối trong nước giảm gần 12%.
Theo Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu cả nước ước đạt gần 33,6 tỷ đôla, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước đạt hơn 16 tỷ đồng, giảm gần 12% so với cùng kỳ. Con số này các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 17,4 tỷ, tăng 3,6 tỷ đôla, tương đương khoảng 26% so với cùng kỳ.
Bộ Công Thương cho rằng, tốc độ nhập khẩu của doanh nghiệp FDI cao hơn nhiều so với tình hình chung của cả nước, do các mặt hàng chủ lực của khối này là gia công, lắp ráp và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Khối doanh nghiệp trong nước giảm chủ yếu do lượng nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất giảm. Bộ Công Thương đánh giá, điều này cho thấy nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nội nói riêng đang gặp nhiều khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhập siêu 4 tháng đầu năm đạt 176 triệu đôla, chiếm 0,5% kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất siêu hơn 840 triệu đôla.
Theo nhận định mới nhất của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn hơn so với khối FDI. Nhu cầu nhập khẩu của các đơn vị trong nước đang giảm sút nghiêm trọng. Kim ngạch xuất khẩu nội địa chỉ tăng 4,3%, thấp hơn rất nhiều so với mức 36,4% của các doanh nghiệp nước ngoài.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, doanh nghiệp FDI có lợi thế tiếp cận nguồn vốn giá rẻ không chỉ từ các ngân hàng ở nước ngoài mà ngay cả những nhà băng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Các nhà băng này có nguồn vốn huy động thấp hơn nhiều so với ngân hàng thương mại trong nước. Do đó, doanh nghiệp FDI có thể huy động vốn với mức lãi suất phổ biến là 12%-14%, trong khi con số này đối với doanh nghiệp trong nước lên tới 17%-19% mỗi năm.
Theo VnExpress
|