Sau thời gian dài gặp khó khăn, gần đây tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu hồi phục tích cực. Giá cá tra nguyên liệu bắt đầu nhích lên, nhiều nhà máy cũng tăng công suất hoạt động, đáp ứng đơn hàng nhập khẩu của đối tác quốc tế. Mới đây Chính phủ thông qua gói giải pháp 29.000 tỷ đồng cứu doanh nghiệp, đã tạo luồng gió mới vực dậy ngành thủy sản. Chỉ tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD thủy sản trong năm 2012 có khả năng hoàn thành.
Tín hiệu lạc quan
Sáng 9-5, Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) đã chính thức hoạt động trở lại sau hơn 2 tháng tạm nghỉ. Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành thủy sản, do đó việc Bianfishco hoạt động lại không chỉ là tin vui đối với hàng ngàn CB-CNV công ty, các ngành chức năng TP Cần Thơ mà còn tác động tích cực đến nhiều doanh nghiệp thủy sản khác.
Ông Trần Văn Trí, Tổng giám đốc Bianfishco, cho biết thời gian qua có người cho rằng Bianfishco sẽ “chết” bởi số nợ hơn 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty không chấp nhận thua cuộc, không thể để mất “thương hiệu Bianfishco” tạo dựng được trên thương trường quốc tế. Hàng loạt giải pháp tái cơ cấu công ty được triển khai như: sắp xếp lại nhân sự theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm chi phí; bán một số tài sản để trả nợ hơn 350 tỷ đồng. Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính đứng ra nhận bảo đảm, giúp Bianfishco trả khoản nợ 240 tỷ đồng nợ người nuôi cá và doanh nghiệp.
Một số nhà đầu tư cũng đề nghị bơm vốn hàng trăm tỷ đồng để công ty mua cá nguyên liệu đẩy mạnh chế biến xuất khẩu… Hiện tại, công ty chế biến từ 100 - 150 tấn cá tra nguyên liệu/ngày và gia công 3 tấn cá hồi/ngày cho đối tác Nhật Bản; sau đó nâng công suất hoạt động lên bởi hiện nay công ty nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu. Ông Trần Kim Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (TPHCM), cho biết: “Cái khó của Bianfishco và các doanh nghiệp chỉ là nhất thời, trong khi lĩnh vực thủy sản là thế mạnh của ĐBSCL và rất tiềm năng. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng đầu tư 500 tỷ đồng để tham gia cùng Bianfishco thu mua, chế biến, xuất khẩu cá tra”.
Theo Ban Quản lý các KCX-KCN TP Cần Thơ, việc Bianfishco hoạt động lại và được nhiều đối tác “bơm vốn” vào công ty đã tạo nên sinh khí mới tích cực cho các doanh nghiệp thủy sản khác. Hiện 18 doanh nghiệp thủy sản đang từng bước vượt qua khó khăn và nâng dần công suất hoạt động, thu hút nhiều công nhân quay lại nhà máy làm việc.
Tại Cà Mau, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT báo tin vui, từ đầu tháng 5-2012 đến nay tình hình tôm chết giảm mạnh. Tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp giúp người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, gia tăng nguồn tôm nguyên liệu trong thời gian tới. Điều đáng mừng là sản lượng tôm nuôi trồng và khai thác phục vụ chế biến xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt gần 90.000 tấn, tăng hơn 13% so cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau thời gian rớt giá thì nay giá cá tra đã tăng lên 24.000 đồng/kg, đảm bảo cho người nuôi không bị lỗ. Hiện tại các nhà nhập khẩu từ Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Canada, Brazil… đang tăng cường nhập khẩu, một tín hiệu lạc quan.
Tìm hướng đi bền vững
Thống kê của Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2012 đạt khoảng 1,9 tỷ USD, tăng 16,4% so cùng kỳ năm ngoái. Với chiều hướng tích cực hiện nay, cộng với gói giải pháp 29.000 tỷ đồng giúp doanh nghiệp mà Chính phủ vừa thông qua, cùng những động thái tích cực từ các ngân hàng… sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu, nỗ lực về đích với chỉ tiêu 6,5 tỷ USD.
Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, tỏ ra trăn trở khi thị trường xuất khẩu đang chuyển biến tốt và dự báo giá cá nguyên liệu tiếp tục tăng, tuy nhiên sản lượng cá tới đây sẽ thiếu trầm trọng khó đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu. Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để phát triển bền vững ngành thủy sản, tránh tình trạng lúc thừa lúc thiếu nguyên liệu, giá cả lên xuống thất thường.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển thủy sản theo phong trào đã đến lúc phải chấm dứt. Theo đó, các địa phương cần quy hoạch một cách hợp lý và có đầu tư thích đáng cho ngành thủy sản từ hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, con giống, công nghệ chế biến, tay nghề công nhân… đáp ứng tình hình mới.
Ngày 9-5, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, cùng Hội Nghề cá Việt Nam đã về An Giang khảo sát tình hình nuôi và xuất khẩu cá tra. Vấn đề bức bách hiện nay vẫn là thiếu vốn và tìm ra mô hình sản xuất bền vững, tạo sự an tâm để người nuôi phát triển nghề cá. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang, cho rằng nếu cứ loay hoay kiểu mạnh ai nấy làm sẽ không thể phát triển được. Vì vậy từ chuyện nuôi đến xuất khẩu cần có sự liên kết thống nhất giữa doanh nghiệp với nông dân, cùng sự tham gia của ngân hàng.
Một trong những điểm sáng hiện nay là việc Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) triển khai mô hình nuôi cá liên kết 4 nhà: ngân hàng - công ty thức ăn - doanh nghiệp chế biến thủy sản và 11 hộ nông dân nuôi cá tra tại xã Đại Thành. Mô hình này giúp người nuôi an tâm vì đầu vào, đầu ra… được bảo đảm thông qua ngân hàng, không sợ bị doanh nghiệp chiếm dụng vốn hay quỵt nợ.
Trong hợp đồng liên kết, ngân hàng cho nông dân vay vốn rồi chuyển tiền đến công ty chế biến thức ăn. Sau đó, nông dân bán cá cho doanh nghiệp chế biến thủy sản. Doanh nghiệp trả tiền cho ngân hàng, sau khi thu hồi vốn, lãi suất, số tiền còn lại ngân hàng sẽ trả cho nông dân. Đây là phương thức hợp đồng mua bán mới, bảo đảm quyền lợi các bên liên quan, đặc biệt là người nuôi cá không lo chịu thiệt.
Theo ông Võ Ngọc Diệp, Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam - chi nhánh Đồng Tháp, để ổn định lâu dài, ngân hàng đang chuyển hình thức cho vay từ nhỏ lẻ sang cho vay những hộ nuôi lớn, có gắn kết đầu ra với doanh nghiệp xuất khẩu. Liên kết hình thành vùng nuôi lớn, vừa dễ kiểm soát, đầu tư và dễ trong tiêu thụ cá. Ngân hàng Công thương Việt Nam - chi nhánh Đồng Tháp đang giải ngân trên 600 tỷ đồng cho nghề cá theo hướng liên kết. Đồng thời, tính toán tăng vốn đầu tư trong thời gian tới.
Theo SGGP