|
Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, những quốc gia đang phát triển ở Đông Á có thể phải đối mặt với cú sốc từ sự đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc và cần thúc đẩy nhu cầu nội địa để bù đắp cho tình trạng xuất khẩu yếu ớt do tác động của kinh tế Mỹ và châu Âu.
Theo hãng tin AP dẫn báo cáo vừa được WB công bố sáng ngày hôm nay (23/5), mức tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển thuộc Đông Á, không bao gồm Nhật Bản, có thể sẽ bị rút ngắn xuống 7,6% trong 2012, từ mức 8,2% trong năm 2011. Trong báo cáo hồi tháng 11 năm ngoái cũng của WB, mức dự báo tăng trưởng khu vực này năm 2012 là 7,8%.
Theo WB, khi nhu cầu tiêu thụ bên ngoài giảm trong bối cảnh bão nợ công vẫn dồn ép châu Âu và kinh tế Mỹ phục hồi chậm, các nước Đông Á và Thái Bình Dương cần giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu, tập trung thúc đẩy tiêu dùng nội địa duy trì tăng trưởng. Sự nương tựa vào xuất khẩu khiến châu Á trở nên dễ bị tổn thương khi các thị trường bên ngoài suy giảm.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế đưa ra ngày hôm qua (22/5), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng đã nhận định rằng, cuộc khủng hoảng nợ công đeo bám dai dẳng châu Âu tiếp tục là mối đe dọa nguy hiểm đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay xuống mức 3,4% từ mức 3,6% trong năm 2011.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế kêu gọi một số nước châu Âu cần kết hợp cả việc cắt giảm chi tiêu và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng. Tổ chức này cho biết thêm: “Thất bại của những hành động hôm nay có thể sẽ dẫn tới tình trạng tồi tệ hơn đối với cuộc khủng hoảng ở khu vực châu Âu và từ đó lây lan rộng sang các quốc gia nằm ngoài khu vực đồng tiền chung".
OECD dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao trong khu vực sử dụng đồng Euro, khoảng 10,8% trong năm nay và năm tới sẽ ở trên mức 11%. Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp trong Eurozone là 10,9%, cao nhất kể từ khi đồng Euro được sử dụng trong năm 1999. Từ đó, theo tổ chức trên, nền kinh tế 17 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu sẽ suy giảm 0,1% trong 2012.
Phát biểu trước thềm hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU), hôm 22/5, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã kêu gọi các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu cần hành động nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và các chính phủ cần chấp nhận nhiều hơn trách nhiệm pháp lý đối với các khoản nợ của nhau.
Bà Lagarde cho rằng Liên minh châu Âu còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt thông qua các cải cách cơ cấu chứ không phải các biện pháp kích thích tăng trưởng đã được đề xuất. Để ngăn chặn khủng hoảng nợ, các nước thành viên phải chia sẻ nhiều hơn trách nhiệm tài chính và một trong những sự lựa chọn là phát hành trái phiếu khu vực đồng Euro.
Việc phát hành trái phiếu Khu vực đồng Euro cho phép những nước thành viên EU, vốn gặp khó khăn vay mượn trên thị trường, dễ dàng thực hiện được việc này hơn nhờ được các nước thành viên khác bảo lãnh cho các khoản nợ này. Dự kiến, tân Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU không chính thức lần này.
Về kinh tế Trung Quốc, cũng trong báo cáo đưa ra hôm 22/5, OECD nhận định, tăng trưởng của nước này sẽ chậm lại ở mức 8,2% trong năm nay, tốc độ thấp nhất trong hơn một thập kỷ trở lại đây. Theo tổ chức này, với các biện pháp hỗ trợ của chính phủ, mức tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi trở lại mức 9,3% trong năm 2013 tiếp theo.
Theo OECD, các hỗ trợ chính sách và sự phục hồi của kinh tế thế giới sẽ giúp kinh tế Trung Quốc phục hồi từ nửa sau năm 2012. Tổ chức này cũng dự báo, Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm nếu đà tăng trưởng chững lại trong quý này. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ.
Cũng nhận định kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 8,2% trong năm nay, ngân hàng Morgan Stanley hôm 21/5 cho rằng, nếu có nhiều hơn nữa sự hỗ trợ, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng tốc trong quý 3 và 4. Morgan hy vọng có nhiều chính sách tích cực hơn được thực hiện để thúc đẩy lượng cầu, đặc biệt là khi tăng trưởng yếu đi và các điều kiện bên ngoài có ảnh hưởng tiêu cực.
Theo Morgan Stanley, ngân hàng trung ương nên cắt giảm cả lãi suất cho vay và lãi suất huy động 2 lần, mỗi lần 25 điểm cơ bản. Ngân hàng này đồng thời cho rằng, Bắc Kinh có thể sẽ thực hiện đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và các dự án đầu tư vào sản xuất được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp nhà nước trước khi dần dần thả lỏng quản lý thị trường bất động sản.
Cuối tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố, “Bắc Kinh đã lên kế hoạch thay đổi chính sách để thúc đẩy kinh tế”. Theo ông, Trung Quốc cần tiếp tục thực thi chính sách tài chính và tiền tệ thận trọng, ưu tiên nhiều hơn duy trì tăng trưởng. Đây được coi là động thái mở đường cho một chương trình thúc đẩy tăng trưởng mà nền kinh tế thứ 2 sẽ sớm thực hiện.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng, ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục củng cố và thúc đẩy các biện pháp kiểm soát kinh tế vĩ mô, mở rộng tiêu dùng trong nước và ổn định nhu cầu từ nước ngoài. Nhiều dấu hiệu cho thấy lực cầu yếu đã xuất hiện như giá nhà giảm xuống mức kỷ lục trong tháng 4 và các công ty sản xuất xe hơi công bố lượng tồn kho lớn.
Theo Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện giảm thuế trên hệ thống để giảm gánh nặng tài chính cho các công ty. Đồng thời, ông cũng yêu cầu các cấp chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp thắt chặt thị trường bất động sản và tăng cường nhà thu nhập thấp để đảm bảo thể trạng của thị trường bất động sản.
Theo VnEconomy
|