Sáng 5-6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cùng lãnh đạo Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP, các sở - ngành... đã gặp gỡ các doanh nghiệp (DN) tại Khu công nghiệp Tân Bình để lắng nghe và gỡ khó cho DN.
Phát biểu tại buổi gặp, ông Hoàng Văn Điều - tổng giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình - “kêu” về việc chậm ban hành tiêu chí công nhận túi nilông (bao bì nhựa) thân thiện môi trường, khiến DN phải chịu thuế môi trường 40.000 đồng/kg túi nilông. Ông Điều cho biết Bộ Tài nguyên - môi trường đã hứa nhiều lần và nói tháng 6 này sẽ có tiêu chí nhưng không biết có ra đời như đã hứa không.
Ông Điều cũng bức xúc về sự vô cảm của một số công chức khi giải quyết những vướng mắc, khó khăn của DN. Ông đơn cử những hóa đơn được xuất ra cách đây 1-2 năm nhưng khi làm thủ tục liên quan đến thuế lại không được chấp nhận. Lý do là những DN xuất các hóa đơn này bây giờ đã bỏ trốn hoặc “mất tích” . Ông cho rằng điều này rất vô lý vì DN không thể quản lý DN.
Ông Thái Hữu Nghĩa - giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Thái Quang - cũng thừa nhận đang đau khổ với thủ tục hải quan yêu cầu tính hao hụt cho những viên kim cương khi làm gia công cho đối tác nước ngoài. Công ty không đủ kiên nhẫn đeo đuổi thủ tục hải quan nên đành ngưng hợp đồng gia công. Ông Nghĩa kiến nghị cần đơn giản thủ tục để tạo điều kiện làm ăn dễ dàng cho DN, duy trì được công ăn việc làm cho người lao động.
Ông Vũ Thái Sơn - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Long Sơn - cho biết quy định thời gian ân hạn thuế nhập khẩu 275 ngày, tuy nhiên thời gian làm thủ tục để có quyết định miễn thuế nhập khẩu cũng mất nhiều thời gian.
Ông Sơn phản ảnh khi DN có nhu cầu hướng dẫn những thủ tục hành chính thì thường nhận được một đống văn bản và bảo DN về tự đọc, tự nghiên cứu. Ông đề nghị các cơ quan nhà nước cần có bộ phận làm dịch vụ hướng dẫn các thủ tục, quy định liên quan khi DN có nhu cầu và sẵn sàng trả phí.
Trao đổi với các DN, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà nói từ tám nhóm kiến nghị, phản ảnh của DN, cho thấy hầu hết đều liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước ở các lĩnh vực khác nhau. Những ý kiến của DN cũng cho thấy DN rất cần một môi trường kinh doanh thật sự trong sạch, bình đẳng...
Theo ông Hà, đây là trách nhiệm Nhà nước phải làm nhưng làm chưa đến nơi đến chốn. “Nếu không làm trong sạch ở đội ngũ này, có lẽ sản xuất, DN... sẽ còn tiếp tục kêu gặp khó khăn” - ông Hà nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà cho rằng muốn giải quyết được gốc rễ của vấn đề phải giảm “xin - cho”. Phải tin tưởng DN, phải tin tưởng các tỉnh thành, không nên cái gì cũng ràng buộc, cũng cấp phép hay thẩm định...
Một trong những khó khăn của DN, theo ông Hà, cần phải giải quyết ngay là khoảng 800 DN đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa làm thủ tục đăng ký lại DN, mà theo quy định nếu không làm thủ tục này và hết hạn hoạt động thì phải ngừng hoạt động, giải thể (riêng năm 2012 có 27 DN thuộc diện này), trong khi nhiều DN đã hoạt động hàng chục năm nay có hiệu quả và đóng góp phát triển kinh tế. Đây chỉ là thủ tục hành chính song nếu phải ngừng hoạt động, giải thể vì thủ tục này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến DN, trước mắt mất hơn 600 triệu USD đầu tư (đối với 27 DN). Ông Hà cho biết đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép TP gia hạn hoạt động nhằm tạo điều kiện cho số DN trên tiếp tục đầu tư.
Theo TTO