|
Đó là ý kiến chung của các chuyên gia tại Hội thảo “Tái cấu trúc doanh nghiệp” diễn ra sáng ngày 30/6/2012, tại TP. Hồ Chí Minh, do Câu lạc bộ (CLB) doanh nhân SIYB TP.HCM tổ chức, với sự tham dự của các doanh nghiệp đến từ các lĩnh vực khác nhau.
Tái cấu trúc doanh nghiệp về bản chất chính là việc thay đổi doanh nghiệp một cách toàn diện, tự làm mới mình cho phù hợp với tình hình hiện tại nhằm nâng cao hiệu suất kinh doanh, tính cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Tại Hội thảo, theo ông Nguyễn Tuấn Hoa – Chuyên gia tư vấn độc lập về công nghệ thông tin, Trưởng ban Tư vấn doanh nghiệp của Câu lạc bộ doanh nhân SIYB TP. HCM thì: “Việc tái cấu trúc không giới hạn ở những doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn, trên bờ vực phá sản hoặc trong giai đoạn nền kinh tế rơi vào khủng hoảng mà đôi khi chính những công ty đang phát triển tốt cũng cần nhìn nhận, tái cấu trúc để hệ thống vận hành một cách hiệu quả nhất”.
Ông Nguyễn Tuấn Hoa trả lời báo chí bên lề Hội thảo
Đồng quan điểm trên, ông Phí Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, chuyên gia tư vấn độc lập về công nghệ thông tin cũng cho rằng: “Chủ doanh nghiệp luôn phải quan tâm đến ba vấn đề: Hoạt động sao cho hiệu quả, làm sao nâng cao tính cạnh tranh theo thời gian và làm cách nào để doanh nghiệp phát triển bền vững, ngay cả khi đang phát triển và càng phải quan tâm trong bối cảnh kinh tế khó khăn hay khủng hoảng. Dưới góc nhìn kiến trúc doanh nghiệp, thì doanh nghiệp phải luôn tự thay đổi, tái cấu trúc để giảm thiểu tổn thất ẩn”.
Và theo ông Tuấn, để tái cấu trúc doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, quan trọng nhất là cần sự thay đổi nhận thức cũng như cam kết của các cấp lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp. Ngoài ra còn có vai trò của truyền thông, tư vấn,…
Theo ông Nguyễn Tuấn Hoa, đối với các doanh nghiệp ngành logistics, “Hiện tại là giai đoạn doanh nghiệp cần thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ”. Bởi theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường này vào đầu năm 2014 và sẽ có nhiều doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được thành lập trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng với số lượng lớn mà quy mô quá nhỏ, nếu không thực hiện tái cấu trúc các doanh nghiệp logistics Việt sẽ khó lòng đối mặt được với cuộc cạnh tranh khốc liệt sắp tới.
Một trong những giải pháp tối ưu và cũng được nhiều doanh nghiệp logistics lựa chọn trong kế hoạch tái cấu trúc để tồn tại và mạnh hơn của mình là hình thức mua lại và sáp nhập M&A (Mergers & Acquisitions).
Trong bối cảnh này, để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành logistics đưa ra kế hoạch kịp thời cho sự sống còn của doanh nghiệp mình, Viện Logistics Viết Nam (VIL) sẽ mở khóa đào tạo “Mua bán & sáp nhập doanh nghiệp” tại TP. HCM vào ngày 14 – 15/7/2012 và tại Hà Nội vào ngày 21 – 22/7/2012, với nội dung chuyên sâu về hoạt động M&A, lập kế hoạch DD (Due Diligence), xác định thay đổi hệ thống và xây dựng mô hình, đặc biệt là các yếu tố cơ bản trong tái cấu trúc doanh nghiệp và quản lý hậu M&A. |
Ban Tư vấn doanh nghiệp ra mắt tại Hội thảo
Ngày 30/6/2012, cũng nhân Hội thảo “Tái cấu trúc doanh nghiệp”, CLB doanh nhân SIYB TP.HCM đã thông báo Quyết định thành lập và ra mắt Ban Tư vấn doanh nghiệp CLB doanh nhân SIYB TP.HCM với 6 chuyên gia, thành viên ban đầu gồm: Ông Nguyễn Tuấn Hoa – Chuyên gia tư vấn Công nghệ thông tin của Chính phủ (Trưởng ban), ông Trần Khải Thành – Viện phó Viện Kinh tế & Quản lý TP. HCM (Thành viên), ông Nguyễn Văn Tài – Trưởng VP Luật sư Sài Gòn Việt (Thành viên), ông Bùi Quốc Nghĩa – Viện trưởng Viện Logistics Viết Nam (Thành viên), bà Phạm Thị Thúy Ngọc – Trưởng đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công thương (Thành viên), ông Nguyễn Đức Trí – Trưởng bộ môn Du lịch, khoa Thương mại – Du lịch – Marketing ĐH Kinh tế TP.HCM (Thành viên). Ban Tư vấn doanh nghiệp ra đời nằm trong nỗ lực của CLB doanh nhân SIYB TP.HCM nhằm thông qua đây tìm kiếm cơ hội đầu tư, hỗ trợ tư vấn để các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, pháp luật, đáp ứng các tiêu chí Ban tư vấn và doanh nghiệp đề ra cũng như các tiêu chí trong và ngoài nước. Đồng thời, giúp doanh nghiệp tìm kiếm và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh.
|
Nụ Phạm
|