|
Mỹ Latin là khu vực thị trường có tới gần 600 triệu dân, tổng GDP đạt trên 5.500 tỷ USD, có nguồn tài nguyên phong phú, tiềm năng về vốn, khoa học - công nghệ, nhu cầu hàng hóa đa dạng và phù hợp với cơ cấu xuất khẩu của nước ta. Hơn nữa, các quốc gia tại khu vực này thúc đẩy hội nhập kinh tế, mở rộng quan hệ thương mại với châu Á. Nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ Latin là thị trường xuất khẩu đầy triển vọng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Vào những năm 1990, buôn bán giữa Việt Nam và khu vực thị trường các nước Mỹ Latin còn nhỏ lẻ. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với tất cả 33 quốc gia trong Khu vực với tổng kim ngạch hai chiều tăng nhanh chóng. Năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước Mỹ Latin đạt 2,44 tỷ USD và nhập khẩu đạt hơn 2,7 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của nước ta gồm giày dép, quần áo, gạo, thủy sản. Một số sản phẩm như túi, sản phẩm nhựa, cao su, cà phê, điện, điện tử, tin học, cơ khí, thiết bị, máy động cơ điện, vật liệu xây dựng, gốm sứ, đồ gỗ nội thất... cũng đã thâm nhập thị trường này, dù kim ngạch vẫn còn rất nhỏ. Theo Tổng giám đốc công ty Vilco tại Panama Roberto Maroday, các mặt hàng cơ khí nhập khẩu từ Việt Nam được khách hàng trong khu vực này đánh giá cao về chất lượng.
Hiện nay, không ít doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này dù giá trị kim ngạch còn khiêm tốn. Điều này đã mở ra triển vọng về cơ hội thị trường xuất khẩu mới. Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Hùng cho biết, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang một số quốc gia trong khu vực này như dệt may, quả bóng... Dù kim ngạch xuất khẩu không lớn, nhưng tính ổn định và nhiều phân tầng thị trường chưa khai thác nên thị trường Mỹ Latin được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Tuy nhiên, kết quả trao đổi thương mại hai chiều chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Kim ngạch thương mại tăng trưởng với tốc độ cao, nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giao dịch thương mại của mỗi nước. Nguyên nhân chủ yếu là khoảng cách địa lý quá xa, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp dẫn đến thời gian vận tải và đi lại chi phí cao, sự khác biệt về ngôn ngữ, còn ít thông tin về đất nước, con người, môi trường và cơ hội kinh doanh... Nhưng theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ - Bộ Công thương Nguyễn Duy Khiên, nếu chúng ta quan tâm thì sẽ có không ít cách để tiếp cận thị trường, nhất là khi nước ta có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với nhiều quốc gia trong khu vực.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Chile được ký ngày 11.11.2011 và sắp có hiệu lực sẽ tạo thuận lợi cho hàng hóa của hai nướác xâm nhập thị trường của nhau. Ngoài ra, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình dương (TPP) trong đó có Chile, Peru và Mexico là thành viên. Việt Nam cũng thành lập ủy ban Liên chính phủ hoặc ủy ban hỗn hợp với một số nước như Cuba, Achentina, Brazil, Chile, Venezuela. Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ Latin được thành lập nhằm kết nối doanh nghiệp hai bên. Đây là những kênh quan trọng để hai bên trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư.
Song, cũng phải kể đến những trở ngại khác để doanh nghiệp Việt Nam chú ý trong quá trình xuất khẩu hàng hóa sang các nước Mỹ Latin. Đó là xu hướng bảo hộ mậu dịch đang xuất hiện trở lại; thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp; hệ thống rào cản kỹ thuật; thay đổi cách tính thuế nhập khẩu dẫn đến mức thuế phải nộp tăng cao; xiết chặt tiêu chí xuất xứ hàng hóa và tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ở một số nước...
Theo thuongmai.vn
|