|
Trong 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 13,67 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng các hiệp hội và doanh nghiệp vẫn chưa thể lạc quan về triển vọng xuất khẩu 6 tháng cuối năm, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản và cao su.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu gặp khó khăn do không chỉ bị tác động của khủng hoảng nợ công ở châu Âu mà còn do những rào cản phi thuế quan của các thị trường này. Giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này giảm mạng như Đức giảm 26,4%, Hà Lan giảm gần 11%, Ý giảm hơm 16% so với cùng kỳ năm 2011.
Trong một lần trả lời phỏng vấn với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng, từ quí 3-2012 trở đi thị trường châu Âu sẽ tăng trưởng trở lại, nhưng nay hiệp hội lại không muốn đề cập đến thị trường châu Âu khi gửi thông tin dự báo tăng trưởng cho doanh nghiệp hội viên mỗi tháng một lần trong những tháng tới.
“Cũng may là nhờ doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường mới, tăng chi phí tiếp thị hình ảnh tại những thị trường châu Á, Đông Phi, Úc… nên phần nào bù đắp doanh thu bị mất đi từ thị trường châu Âu. Tuy nhiên, chúng tôi không thể lạc quan về 6 tháng cuối năm”, ông Hòe nói.
Chính vì thế, VASEP không dám khẳng định kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ dừng lại ở con số 6 tỉ đô la Mỹ hay 6,5 tỉ đô la Mỹ như mục tiêu đặt ra từ đầu năm 2011.
Theo VASEP, mặc dù thị trường châu Âu gặp khó khăn nhưng bù lại một số thị trường như Mỹ, Hàm Quốc, Úc, ASEAN đều có mức tăng trưởng từ 10- 35% so với cung kỳ năm 2011. Đây là nguyên nhân đẩy kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đat 2,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về mặt hàng cao su, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cũng chưa có cơ sở để hy vọng về triển vọng thị trường trong nửa cuối năm 2012 vì trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mặt hàng này là 412.000 tấn, đạt 1,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 42,5% về lượng nhưng lại giảm 0,3% về giá trị. Nguyên nhân là do giá bán trung bình chỉ ở mức trên 3.000 đô la Mỹ/ tấn, giảm đến 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), cho biết trong 6 tháng cuối năm xuất khẩu cao su nhiều khả năng chỉ tăng khối lượng còn về giá thì khó có những đột biến như năm 2011.
Theo VFA, dự báo trong năm 2012, lượng cao su xuất khẩu khoảng 900.000 tấn (trong đó, 50.000 tấn dưới dạng tạm nhập tái xuất), tăng khoảng 75.000 tấn so với năm 2011. Giá trị thu về ở mức 3 tỉ đô la Mỹ, giảm 200 triệu đô la Mỹ so với năm 2011.
Theo Bộ NN&PTNT, mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm trong 6 tháng đầu năm tương tự cao su là gạo. Cụ thể, lượng gạo xuất trong 6 tháng đầu năm đạt gần 3,7 triệu tấn, giá trị thu về là 1,7 tỉ đô la Mỹ, giảm 8,8% về lượng và 13,5% về giá trị. Giá gạo xuất khẩu trung bình trong thời gian này ở mức 464 đô la Mỹ/tấn, giảm 5,7%.
Giá cà phê xuất khẩu cũng giảm trong 6 tháng đầu năm, trung bình đạt gần 2.100 đô la Mỹ, giảm gần 100 đô la Mỹ/ tấn. Mặc dù vậy, xuất khẩu cà phê trong 6 tháng đạt 1,1 triệu tấn, tương đương 2,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 26,5% về lượng và 20,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị xuất khẩu mặt hàng điều nhân, hồ tiêu và chè trong 6 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ nhưng nhờ vào lượng xuất khẩu tăng nhiều hơn.
Mặt dù có những khó khăn do thị trường châu Âu nhưng giá trị xuất khẩu hạt điều trong 6 tháng đạt 97.000 tấn, kim ngạch 666 triệu đô la Mỹ, tăng 27% về giá trị nhưng lượng lại tăng đến 41%. Những thị trường xuất khẩu điều nhân của Việt Nam vẫn là Mỹ, chiếm 37,7% về giá trị, Trung Quốc là 26,3% và Hà Lan là 17,4%.
Chè xuất khẩu đạt 61.000 tấn, đạt giá trị 86 triệu đô la Mỹ, tăng gần 10% về giá trị còn lượng tăng 14%.
Trong tất cả các mặt hàng chỉ có hồ tiêu là có mức tăng giá trị nhiều gấp hơn 10 lần lượng. Cụ thể, xuất khẩu hồ tiêu trong 6 tháng đầu năm mang về 494 triệu đô la Mỹ, tăng gần 3% về lượng nhưng giá trị lại tăng 32% so với cùng kỳ năm 2011. |
Theo Thời báo Kinh tế SG
|