Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là phương thức quản trị rủi ro mới, hiệu quả, đồng thời cũng là một trong những giải pháp tốt tạo điều kiện để các doanh nghiệp xuất khẩu tháo gỡ khó khăn về vốn.
Đó chính là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tín dụng và giải pháp quản lý rủi ro tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu” do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và Công ty bảo hiểm Chartis Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 31/7/2012 tại TP. Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hà – Phó Giám đốc chi nhánh VCCI Hồ Chí Minh cho biết, vốn là một trong những vấn đề khó khăn nhất mà cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp phải, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam khi tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động như hiện nay. Bà Hà nói: “Câu chuyện cung – cầu tín dụng vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng khó có thể giải quyết một sớm một chiều và không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được nguồn vốn có lãi suất ưu đãi hiện nay”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hà - Phó Giám đốc VCCI Hồ Chí Minh
Trước thực trạng e dè của các ngân hàng trong việc cấp vốn lưu động cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu, hợp đồng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tiếp cận các nguồn vốn cho vay từ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng dễ dàng hơn với tỷ lệ giá trị vốn vay/giá trị được bảo hiểm (tài sản bảo đảm) cao hơn để đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm quỹ dự phòng tổn thất và tạo điều kiện để các chương trình thu hồi nợ của doanh nghiệp xuất khẩu trở nên hiệu quả hơn. Qua đó cũng giúp các doanh nghiệp quản lý rủi ro tài chính tốt hơn.
Giáo sư Lobez Frédéric, khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Lille 2 (Pháp), phân tích: “Chi phí tài chính là một trong những trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ thường được vay vốn từ ngân hàng ít hơn 10% so với nhu cầu đầu tư”. Việc thiếu vốn và không vay được vốn là thử thách lớn. “Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý việc bảo hiểm rủi ro tín dụng. Một khi đã có hợp đồng bảo hiểm tín dụng thương mại, doanh nghiệp hoàn toàn có thể mang đến ngân hàng để thế chấp, được hưởng thêm ưu đãi cho vay” - giáo sư Lobez Frédéric nói.
Theo ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, dù vai trò của bảo hiểm tín dụng xuất khẩu rất quan trọng đối với một nền kinh tế xuất khẩu mạnh như Việt Nam, đặc biệt trong thời gian qua kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng các doanh nghiệp lại chưa lo đến bảo hiểm tín dụng xuất khẩu hoặc nếu có thì cũng đi mua bảo hiểm của các công ty ở nước ngoài. Ông Lộc nói: “Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 96 tỷ USD, nhập khẩu đạt hơn 100 tỷ USD, nhưng tổng giá trị bảo hiểm tín dụng xuất khẩu chỉ khoảng đạt khoảng 1.000 tỷ đồng (tương đương 50 triệu USD), đây là một con số khá nhỏ”. Chia sẻ về việc một số các doanh nghiệp đã ý thức được việc phải sử dụng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhưng lại “sính ngoại”, ông Lộc cho biết thêm: “Nếu mua bảo hiểm của doanh nghiệp nước ngoài thì phần thiệt luôn thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam. Thậm chí, nhiều lúc phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi xảy ra các rủi ro”. Bởi việc mua bảo hiểm nước ngoài sẽ dễ gặp rủi ro và khó đòi bồi thường vì phần lớn các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đều đòi hỏi giấy tờ, thủ tục với yêu cầu cao, khắt khe. Nhưng nếu doanh nghiệp chọn mua bảo hiểm cho hàng hóa xuất nhập khẩu của đơn vị cung cấp bảo hiểm trong nước, dưới sự can thiệp của luật kinh doanh bảo hiểm, nếu giấy tờ sai sẽ được sửa lại cho đúng dưới sự tư vấn của doanh nghiệp bảo hiểm. Rõ ràng, mua bảo hiểm của các đơn vị kinh doanh bảo hiểm trong nước sẽ an toàn hơn.
Ông Phùng Đắc Lộc - Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
Nhận xét về nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa biết và sử dụng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bà Vũ Hồng Vân, Giám đốc Bảo hiểm Hàng hải và Tín dụng Thương mại Công ty TNHH Bảo hiểm Chartis Việt Nam, cho biết, chủ yếu là các doanh nghiệp chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, đặc biệt là chương trình hỗ trợ vốn 20% của Chính phủ dành cho doanh nghiệp khi tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Gần đây mới có nhiều doanh nghiệp tỏ ý quan tâm vì họ cần có sự hỗ trợ để yên tâm hơn khi giao dịch xuất nhập khẩu. “Các ngân hàng như VietinBank, Vietcombank bắt đầu đề nghị doanh nghiệp mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu để tăng khả năng cho vay vốn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý khi tham gia bảo hiểm phải xem xét thật kỹ các điều khoản trong hợp đồng nhằm tránh những tranh chấp không đáng có” - bà Vân nhấn mạnh.
Nụ Phạm