Sáng ngày 25-7, Tại TP.HCM, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động thu mua chế biến XNK ngành điều 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2012. Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Vinacas cho biết năm 2012 là một năm đầy khó khăn đối với ngành điều Việt Nam.
Sụt giảm nhiều mặt
Theo Vinacas, khác với mọi năm, năm nay mùa vụ kéo dài từ cuối tháng 2-2012 đến hết tháng 6-2012. Tuy nhiên do biến đổi khí hậu mưa nắng thất thường cộng với sương mù nên tại các vùng điều trọng điểm như Bình Phước, Đồng Nai… nên dù cây ra hoa nhiều nhưng diện tích hoa bị khô, héo, tỷ lệ đậu trái chỉ đạt từ 30-40%. Đặc biệt cơn bão số 1 đổ bộ vào nước ta khiến cho nhiều diện tích điều bị gãy đổ, nhiều diện tích bông bị cháy đen, không có khả năng đậu trái, những hạt còn lại cho chất lượng rất xấu.
Cùng với đó, diện tích, năng suất và sản lượng cây điều năm 2012 sụt giảm mạnh. Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT các tỉnh, 6 tháng đầu năm 2012, tổng diện tích trồng điều cho sản phẩm và tổng diện tích điều của cả nước tiếp tục giảm chỉ còn 315.249 ha và 365.560 ha, giảm 7.510 ha diện tích và 15.141 ha điều cho sản phẩm so với năm 2011. Năng suất điều bình quân chỉ còn 8,4 tạ/ha (năm 2011 đạt 9,1 tạ/ha). Sản lượng điều thu hoạch toàn niên vụ giảm mạnh so với năm 2011, chỉ đạt 264.810 tấn, giảm 36.920 tấn so với năm 2011.
Với kết quả như trên, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 3 trong số những quốc gia có diện tích và sản lượng điều thu hoạch lớn nhất thế giới, sau Ấn Độ và Bờ Biển Ngà. Tuy nhiên vị trí trên đang bị đe dọa nghiêm trọng do sự sụt giảm liên tiếp về diện tích, năng suất và sản lượng trong những năm qua. Ông Nguyễn Thái Học cho rằng việc suy giảm cả về diện tích, năng suất và sản lượng cây điều năm 2012 sẽ là nỗi lo, thách thức đối với ngành chế biến điều trong những năm tới.
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước thu mua được khoảng 235.200 tấn điều trong nước và nhập khẩu 116.395 tấn điều thô, giảm 3,62% về lượng nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2011 và mới chỉ đạt 29,09% kế hoạch của năm 2012. Nguyên nhân dẫn đến lượng điều thô nhập khẩu giảm chính là do khủng hoảng chính trị tại Bờ Biển Ngà ảnh hưởng lớn đến các đơn hàng.
Campuchia là nước xuất khẩu điều thô vào Việt Nam lớn nhất với số lượng 46,2 ngàn tấn, trị giá 50,8 triệu USD. Bờ Biển Ngà chiếm vị trí thứ hai với số lượng 300 ngàn tấn trị giá 28,3 triệu USD. Đáng chú ý là từ tháng 2 đến tháng 4-2012, Úc đã xuất khẩu điều thô qua Việt Nam.
Về xuất khẩu, 6 tháng đầu năm Việt Nam đã xuất được 88.532 tấn điều nhân các loại với kim ngạch xuất khẩu đạt 602,13 triệu USD. Tuy nhiên giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt 6.826 USD/tấn, giảm 8,11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ vẫn là thị trường khẩu điều lớn nhất của Việt Nam. Sáu tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ được 28.804 tấn với giá trị 168 triệu USD, tăng 16,09% về lượng nhưng chỉ tăng 1,20% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Tiếp theo là Trung Quốc với 16.276 tấn, đạt kim ngạch 107,74 triệu USD, tăng 16,22% về sản lượng nhưng lại giảm 4,44% về giá trị so với năm 2011.
Khó khăn vẫn còn tiếp diễn
Theo Vinacas, mục tiêu xuất khẩu của ngành điều 6 tháng cuối năm 2012 là 61.468 tấn, với kim ngạch khoảng 420 triệu USD để đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm 2012 đạt 1,022 tỉ USD, giảm 24,37% so với năm 2011. Giá xuất khẩu bình quân đạt 6.828 USD/tấn, giảm 16,01% so với cùng kỳ 2011.
Ông Nguyễn Thái Học cho rằng mặc dù các chỉ tiêu đưa ra đều thấp hơn so với năm 2011 nhưng với tình hình khó khăn hiện nay thì đây là những chỉ tiêu khó, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp mới thực hiện được.
Theo dự báo của Vinacas, từ nay cho đến cuối năm 2012, tình hình sẽ vẫn còn rất nhiều khó khăn. Do khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nợ ở Châu Âu dẫn đến kinh tế Mỹ và Châu Âu vẫn trong tình trạng trì trệ, thu nhập và tiêu thụ giảm sút ảnh hưởng đến các đơn hàng.
Bên cạnh sụt giảm của thị trường, nguy cơ đối mặt với các rào cản kỹ thuật thương mại của các quốc gia nhập khẩu như luật sửa đổi bổ sung các quy định an toàn thực phẩm (FSMA) của cục An toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ, các quy định kiểm soát nhập khẩu mới của EU, các rào cản kỹ thuật của thị trường Trung Quốc...
Về các giải pháp, kiến nghị thúc đẩy ngành điều phát triển, Vinacas cho rằng Bộ NN&PTNT cần sớm chỉ đạo tiến hành dự án lập quy hoạch phát triển ngành điều, xây dựng chiến lược phát triển điều các tỉnh phía Nam đến năm 2020. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát tình trạng thương nhân Trung Quốc thu mua hạt điều trực tiếp tại địa phương như thời gian vừa qua.
Ông Tạ Quang Huyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn 1 cho rằng khó khăn của ngành điều hiện nay chính một phần từ việc chúng ta không kiểm soát được các doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện nay có quá nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu điều nhưng do tiềm lực yếu nên các doanh nghiệp nhỏ này liên tục hạ giá bán để giải phóng hàng. Đối tác của Việt Nam nắm được điều này nên o ép các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng phải hạ giá bán theo khiến giá điều giảm mạnh. Do vậy, Chính phủ cần sớm có biện pháp để ổn định thị trường, tránh tình trạng hỗn loạn nguồn cung như thời gian vừa qua.
Thanh Long