Giá cao su xuất khẩu hiện đã giảm hơn 50% so với năm 2011. Con số này cộng với chính sách thuế chưa phù hợp đã khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN) cao su đứng trước nguy cơ phải đóng cửa…
Doanh nghiệp lao đao
5 năm trước, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Phước đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất mủ cao su ly tâm gồm 8 máy ly tâm nhập của Đức cộng với chi phí đầu tư nhà xưởng khoảng 1,5 triệu USD. Nhà máy này vận hành rất tốt, hàng năm công ty xuất khẩu 50.000 tấn cao su, đã đưa kim ngạch xuất khẩu công ty 200 triệu USD trong năm 2011. Nhưng từ đầu năm 2012 đến nay tình hình đã đổi khác. Nhà máy sản xuất cao su ly tâm phải đóng cửa, tạm ngưng xuất khẩu. Công nhân làm việc trong nhà máy này phải nghỉ việc.
Ông Đồng Minh Toàn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Phước, cho biết: “Tình trạng trên diễn ra sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 145/2011 quy định áp thuế 3% lên sản phẩm cao su ly tâm và cao su hỗn hợp.
Bên cạnh đó, việc áp thuế môi trường làm giá thành sản phẩm cao su tăng, công ty khó xuất khẩu. Với mức thuế này, sản phẩm trong nước tăng giá thêm 100 USD/tấn. Trong khi đó giá bán hiện nay chỉ còn 2.200 - 2.300 USD/tấn (giảm 50% so với năm 2011), việc áp dụng mức thuế trên làm đội giá thành lên khiến sản phẩm xuất khẩu trong nước không thể cạnh tranh với sản phẩm cùng chủng loại của Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Do đó, DN làm không nổi, phải đóng cửa nhà máy và quay sang xuất thô mủ cao su với giá trị thấp. Tình trạng này để lại hậu quả rất lớn vì với số lượng hàng trăm DN dừng sản xuất hai sản phẩm cao su ly tâm và cao su hỗn hợp, khiến hàng ngàn công nhân bị mất việc làm, mất một nguồn ngoại tệ lớn cho nhà nước….
Công ty TNHH Hưng Thịnh (Tây Ninh) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cuối năm 2011, công ty đầu tư xây dựng phân xưởng chế biến cao su ly tâm trên 400.000 USD. Khi nhà máy hoàn thiện cũng là lúc sản phẩm cao su ly tâm bị áp thuế 3% nên nhà máy nằm trùm mền.
Ông Nguyễn Quang Hợp, Công ty TNHH Hưng Thịnh, dẫn chúng tôi đến xưởng chế biến mủ cao su hỗn hợp đã ngưng hoạt động từ đầu năm đến nay cũng do bị đánh thuế xuất 3% nên sản xuất ra bị lỗ. Trước đây, nhà máy vận hành liên tục với công suất 1 tấn mủ/giờ và có 50 công nhân làm việc liên tục 10 giờ/ngày mới đủ hàng giao cho khách. Nhưng nay, xưởng chế biến này đóng cửa. Toàn bộ công nhân mất việc làm.
Theo ông Lê Bá Thọ, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh, lâu nay công ty có thế mạnh sản xuất mủ ly tâm với 70% sản lượng xuất khẩu và được bạn hàng quốc tế tín nhiệm. Với sản lượng trong năm nay khoảng 13.000 tấn mủ cao su, dự kiến khoản thuế xuất khẩu DN phải đóng tới 11 tỷ đồng. Do đó, công ty phải giảm sản lượng mủ ly tâm và chuyển sang làm mủ cốm.
Năm nay, mục tiêu của công ty là sản lượng mủ ly tâm xuất khẩu đạt 60%, nhưng giờ này chỉ đạt 30% - 40%. Vậy mà, mấy tháng đầu năm nay, công ty đã phải đóng hơn 3 tỷ đồng tiền thuế xuất khẩu.
Chưa hết, các DN xuất khẩu cao su còn gặp rất nhiều khó khăn do tác động của việc áp thuế bảo vệ môi trường lên sản phẩm bao bì nhựa PE bao gói cao su nguyên liệu. Ông Đồng Minh Toàn đã làm một phép tính cho thiệt hại của DN. Một tấn cao su xuất khẩu cần 30 bao bì nhựa (khoảng 1,5 kg). Với sản lượng xuất khẩu 50.000 tấn như năm 2011, công ty sử dụng tới 75 tấn bao bì PE. Mỗi tấn bao bì được áp thuế 40 triệu đồng thì chi phí công ty phải trả mỗi năm trên 3 tỷ đồng. Mức thuế này làm tăng giá thành sản phẩm, mất tính cạnh tranh làm cao su Việt Nam khó bán.
Cần miễn thuế cho doanh nghiệp
Mức thuế xuất khẩu cao su ly tâm và cao su hỗn hợp được áp dụng từ tháng 12-2011 với lý do là tăng thuế để khuyến khích ngành chế biến cao su trong nước thay vì xuất khẩu cao su thiên nhiên như hiện tại. Tuy nhiên, các DN cho rằng, việc áp thuế như thế là không phù hợp vì cao su thiên nhiên được nhà nước khuyến khích xuất khẩu. Việc áp thuế suất như vậy làm giảm tính cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu DN trong nước.
Theo ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, hiệp hội đã có văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính đề nghị miễn áp thuế xuất khẩu 3% trên chủng loại cao su tự nhiên là cao su ly tâm (latex) và cao su hỗn hợp (compound) gây khó khăn cho DN. Đó là tăng giá thành hai chủng loại chịu thuế, làm giảm lợi nhuận của DN. Bên cạnh đó, mức thuế này tạo bất bình đẳng giữa DN trong khu chế xuất và ngoài khu chế xuất vì DN trong khu chế xuất không phải chịu thuế xuất khẩu 3%. Do đó, DN trong nước có xu hướng ngừng hoặc giảm sản xuất cao su ly tâm và cao su hỗn hợp. Điều này ảnh hưởng đến chiến lược đa dạng hóa cơ cấu chủng loại cao su xuất khẩu của cao su Việt Nam.
Để tạo điều kiện cho DN cao su tiếp tục mạnh dạn đầu tư tăng sản lượng, mở rộng thị trường, đa dạng hóa chủng loại cao su và tăng kim ngạch cao su xuất khẩu, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã gửi kiến nghị Bộ Tài chính xem xét cho miễn thuế bao bì PE đóng gói cao su vì không làm tổn hại môi trường trong nước, hơn 80 % là cao su xuất khẩu.
Các chuyên gia về cao su đều cho rằng, lượng bao bì nhựa đóng gói thường được đưa vào luyện hỗn hợp với cao su làm thành sản phẩm. Vì thế, các bao bì nhựa đóng gói không xả thải ra môi trường. Hơn nữa, hơn 80% sản phẩm cao su dành cho xuất khẩu thì những tác động môi trường (nếu có) cũng không tác hại môi trường trong nước. Nên chăng Bộ Tài chính xem xét miễn thuế xuất khẩu cao su và thuế Bảo vệ môi trường tạo thuận lợi cho giảm giá thành, đẩy mạnh xuất khẩu cao su, mang lại lợi ích cho đất nước và người lao động.
Theo SGGP