Sáng ngày 7-9, tại TP.HCM, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam và Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng Cục hải quan đã tổ chức lễ ký kết “Biên bản thỏa thuận về trao đổi, cung cấp thông tin hỗ trợ kỹ thuật phục vụ cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường”.
Đến dự buổi lễ ký kết có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục hải quan Việt Nam cùng đại diện các cơ quan, doanh nghiệp liên quan.
Theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, niên vụ 2010 – 2011, Việt Nam sản xuất được trên 1,1 triệu tấn đường. Niên vụ 2011-2012, sản lượng đường các nhà máy sản xuất được nâng lên trên 1,3 triệu tấn và dự kiến niên vụ năm 2012-2013 sẽ đạt 1,5 triệu tấn đường, đủ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, nan giải nhất hiện nay là lượng đường nhập lậu đang ào ạt tràn vào Việt Nam khiến cho ngành mía đường lao đao.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch hiệp hội mía đường cho biết hiện nay mỗi năm có khoảng 300 – 400 nghìn tấn mía đường được nhập lậu từ Thái Lan về Việt Nam dưới nhiều phương thức và thủ đoạn khác nhau, chiếm đến 30% sản lượng đường tiêu thụ trong nước.
Theo Tổng cục hải quan Việt Nam, hoạt động nhập lậu đường trái phép hiện nay đang lợi dụng kẽ hở trong chính sách tạm nhập tái xuất. Các doanh nghiệp lợi dụng chính sách cho phép tạm nhập đường để xuất sang một nước thứ 3 khác, nhưng khi giá đường trong nước cao, các đối tượng này “tạm nhập” đường nhưng lại không “tái xuất” mà tìm cách để tuồn tiêu thụ trong nước. Vừa qua, Hải quan kiểm tra 35 tờ khai tạm nhập tái xuất mặt hàng đường với tổng số 204 container ở cảng Hải Phòng. Kết quả kiểm tra cho thấy thực xuất chỉ 60 container, 62 container còn nằm tại cảng Hải Phòng, còn lại 82 container đang lang thang đi đâu không rõ. Từ ngày 22-6 đến nay, Tổng cục Hải quan siết chặt kiểm tra mặt hàng tạm nhập tái xuất đường. Kết quả hiện nay có 199 container với gần 5.000 tấn đường còn nằm tồn đọng ở cảng đã quá hạn nhưng chưa được xuất đi.
Lễ ký kết phối hợp đấu tranh chống buôn lậu đường giữa Hiệp hội Mía Đường Việt Nam và Tổng cục hải quan
Ông Nguyễn Đỗ Kim, Phó đội trưởng đội chống buôn lậu phía Nam, Tổng Cục hải quan cho biết thêm hiện nay tình hình buôn lậu đường ở khu vực Châu Đốc – An Giang đang rất nóng. Dọc sông Bình Di bên bờ phía Campuchia có hàng trăm kho tập kết đường lậu. Khi vắng bóng cơ quan chức năng là đường lậu được vận chuyển ồ ạt sang Việt Nam. Ông Kim ví von đường lậu tại đây đang trở thành “chi nhánh thứ 2 bên cạnh Bộ Công thương điều tiết ngành đường của cả nước”. Vừa rồi, đơn vị của ông chỉ mới kiểm tra một điểm tại Châu Đốc nhưng đã phát hiện có 5-6 ghe vận chuyển đường lậu với khối lượng vận chuyển lên đến 70 – 80 nghìn tấn đường mỗi ngày.
Theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, việc đường lậu tràn ồ ạt vào Việt Nam gây thất thu cho Nhà nước 3 lần thuế. Trước hết là 5% thuế nhập khẩu, ước tính khoảng 250 tỷ đồng mỗi năm. Kế đến là 5% thuế VAT khoảng 250 tỷ đồng nữa. Và nguồn thất thu thuế thứ 3 là các nhà máy đường giảm sút lợi nhuận khiến thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách cũng giảm sút theo. Ước tính thiệt hại từ thuế thu nhập doanh nghiệp giảm sút khoảng 150 tỷ đồng. Như vậy, với 3 lần thất thu chúng ta đã mất 650 tỷ đồng. “Nếu chúng ta thực hiện tốt công tác chống buôn lậu thì số tiền này hoàn toàn có thể thu lại được để nộp vào ngân sách phục vụ các công trình và dự án xã hội khác”, ông Long cho biết.
THANH LONG