Tiếp theo cuộc họp mới đây của Bộ Tài chính, những vướng mắc, bất cập của hoạt động kinh doanh tạm nhập - tái xuất lại được mang ra mổ xẻ trong cuộc họp được Tổng cục Hải quan tổ chức chiều ngày 5/9. Đáng chú ý là những số liệu thực tế về tạm nhập-tái xuất mặt hàng xăng dầu lần đầu được hải quan công bố.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, những năm qua, việc siết chặt quản lý loại hình tạm nhập-tái xuất nói chung được ngành hải quan quyết liệt thực hiện. Đã có nhiều báo cáo được hải quan gửi tới các ban, ngành và tham mưu cho Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng, điều tra, xử lý và kiến nghị giải pháp quản lý với loại hình tiềm ẩn nhiều nguy cơ thẩm lậu, gian lận này.
Năm 2011, Tổng cục Hải quan đã ban hành hai Kế hoạch số 46, 54 về việc tổng kiểm tra hàng tạm nhập-tái xuất tại hai cửa khẩu Tp.HCM và Hải Phòng, nơi chiếm tới 80% lượng hàng hóa tạm nhập-tái xuất. Kết quả, hải quan đã phát hiện 500 containers hàng cấm, ắc quy chì, rác thải, hàng vi phạm công ước quốc tế Citis...
Tiếp đó, với Kế hoạch số 98 ra đời tháng 6/2012, việc tăng cường kiểm tra kiểm soát hàng tạm nhập-tái xuất được thực hiện riêng tại Hải Phòng và một số tỉnh biên giới phía Bắc nhằm mục tiêu rà soát, đưa vào giám sát tổng thể các lô hàng quá hạn chưa làm thủ tục. Nhiều vi phạm đã được phát hiện như vận chuyển không đúng tuyến đường, thẩm lậu hàng hóa vào nội địa...
Riêng tại các cửa khẩu cảng Hải Phòng, hiện có tới 7.066 containers hàng hóa quá hạn đang tồn đọng, trong đó, đa phần là hàng tạm nhập-tái xuất. Cơ quan hải quan đã tiến hành khám 270 containers và phát hiện 195 containers hàng cấm, vi phạm chờ xử lý.
Ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, cơ quan hải quan cũng đang tiến hành khám 97 containers nhập từ Mỹ về và “hải quan có đầy đủ thông tin khẳng định đây là những lô hàng cấm, không được phép nhập khẩu vào Việt Nam”.
Để giải quyết lượng hàng tạm nhập-tái xuất đang tồn tại cảng Hải Phòng chờ tái xuất qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, cơ quan hải quan đã yêu cầu kiểm tra chặt từ đầu cảng Hải Phòng, trường hợp không kiểm tra từ cảng sẽ kiểm tra kỹ ở biên giới. Tuy nhiên, theo thông tin trinh sát hải quan, hiện đang có 600 containers có dấu hiệu lẩn tránh, đi không đúng tuyến đường vận chuyển quy định. Ngoài ra, 200 containers hàng hóa có thuế suất cao đang nằm trong tầm kiểm soát của hải quan. Đó là những lô hàng quá thời hạn làm thủ tục và không được phép tái xuất.
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, những nhóm mặt hàng trọng tâm vi phạm là hàng cấm, hàng có thuế suất cao. Doanh nghiệp thường sử dụng nhiều chiêu thức gian lận, như giả mạo chữ ký, con dấu hải quan. Số liệu được Tổng cục Hải quan công bố, có 125 tờ khai đã được giám định tại Viện Khoa học hình sự là giả mạo và 121 tờ khai khác có dấu hiệu giả mạo đang chờ giám định.
Trong số những nhóm mặt hàng tạm nhập-tái xuất, dễ gian lận và khó quản lý nhất chính là mặt hàng xăng dầu. Năm 2009, 11 doanh nghiệp của Việt Nam đã tạm nhập 2.425,2 nghìn tấn xăng dầu với trị giá 1.137,5 triệu USD nhưng lượng tái xuất là 2.059,6 nghìn tấn (trị giá 1.022,5 triệu USD).
Năm 2010, đã có 2.854,1 nghìn tấn xăng dầu (trị giá 1.827,0 triệu USD) được tạm nhập, nhưng lượng tái xuất lại là 2.358,1 nghìn tấn (trị giá 1.600,3 triệu USD).
Tương tự, trong năm 2011, 11 doanh nghiệp của Việt Nam đã tạm nhập 2.987,8 nghìn tấn xăng dầu (tương ứng 2.744,7 triệu USD) nhưng lượng tái xuất là 2.407,8 nghìn tấn (trị giá tương ứng là 2.221,1 triệu USD).
Trong 6 tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp của Việt Nam đã tạm nhập 1.725,7 nghìn tấn (trị giá tương ứng là 1.688,3 triệu USD), nhưng thực tái xuất là 1.180,8 nghìn tấn (trị giá 1.161,2 triệu USD).
Những chênh lệch trong số liệu tạm nhập-tái xuất mặt hàng xăng dầu đã cho thấy một thực tế là gian lận liên quan tới mặt hàng này đã tồn tại từ lâu. Những lỗ hổng “mở đường” cho doanh nghiệp gian lận nằm ở những bất cập của các quy định hiện hành, mà không thể tháo gỡ trong ngày một ngày hai.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phân tích, theo quy định, thời gian tối đa cho các lô hàng tạm nhập-tái xuất được lưu tại Việt Nam là 195 ngày. Đó là khoảng thời gian quá dài. Với đặc thù riêng, mặt hàng xăng dầu có nhiều chủng loại nên xăng dầu tạm nhập-tái xuất và xăng dầu kinh doanh trong nội địa dễ dàng có thể đổ chung. Ranh giới để hải quan có đủ chứng cớ, tài liệu kết luận gian lận là rất khó.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định tạm ngừng chưa cho tạm nhập-tái xuất xăng dầu theo tuyến đường biển. Nhiều cấp, ngành cũng đã kiến nghị sửa đổi những bất cập của các quy định pháp luật liên quan như rút ngắn thời gian hàng được lưu tại Việt Nam...
Tuy nhiên, biện pháp hiệu quả nhất, theo đại diện Tổng cục Hải qua là tuyệt đối không cho tạm nhập-tái xuất hàng cấm. “Tôi lấy làm lạ là không hiểu sao có những mặt hàng cấm mà lại cho tạm nhập-tái xuất qua lãnh thổ và thời gian lưu tại Việt Nam lại được kéo dài tới 195 ngày. Như thế làm sao quản lý được?”. Ông Cẩn cho rằng, “nên có những chỉnh sửa phù hợp những quy định liên quan như Nghị định 12,... và riêng với xăng dầu, nên cho tái xuất nguyên tàu, nguyên kẹp chì...”.
Được biết, cơ quan hải quan đang tiến hành tổng rà soát hoạt động tạm nhập-tái xuất xăng dầu trong 3 năm trở lại đây tại 33 cục hải quan trong cả nước và sẽ có kết quả vào trung tuần tháng 12/2012.
Theo VnEconomy
|