Ông Phạm Quốc Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái-Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 3-2012 đến nay, hàng hóa thuộc loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất (TN-TX) có dấu hiệu chững lại, trong đó, hàng đông lạnh giảm 45%, hàng hóa khác giảm 53%.
“Chợ chiều”
Tại Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái hiện còn hơn 2.000 container đang chờ XK. Số hàng hóa này chủ yếu là phân bón, kim loại đất hiếm, Angtimoan, Fero silic, chì, mangan, Magie oxit, Antimon, tấm cao su, vải, dây điện bọc nhựa PVC…, đang được tập kết tại các địa điểm làm thủ tục hàng hóa XNK gồm 9 cảng nội địa và 11 kho ngoại quan do Chi cục quản lí. Để đảm bảo tính nguyên trạng số hàng hóa, đơn vị đã bố trí cán bộ, lắp đặt thiết bị camera..., thực hiện đầy đủ các quy trình nghiệp vụ theo quy định, giám sát 24/24 giờ.
Ông Phạm Quốc Hưng cho biết thêm, nguyên nhân là do phía Trung Quốc tăng cường các lực lượng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa biên mậu, “cấm biên” phục vụ cho Lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh Trung Quốc… Chính vì thế, “đường đi” lưu thông hàng hóa XNK qua cửa khẩu thường xuyên rơi vào thế “bị động”. Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan vẫn là từ khi thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 7-9-2012, việc quản lí đối với hành hóa kinh doanh TN-TX đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan chức năng, cũng như điều kiện đối với DN kinh doanh TN-TX như quy định DN phải kí quỹ 5 tỉ đồng; hàng hoá chỉ được lưu giữ ở Việt Nam không quá 60 ngày (kể cả thời gian gia hạn)… nên hàng hóa qua địa bàn giảm hẳn.
Theo khảo sát tại địa điểm kiểm tra hàng hóa XNK cảng Thành Đạt (thuộc phường Ninh Dương, TP. Móng Cái). Đoạn đường vào cảng Thành Đạt chỉ chưa đầy 10 km nhưng đã có tới 7-8 cảng nội địa nằm dọc trên tuyến sông Ka Long. Khác hẳn với sự sôi động trước đây, khu bãi cảng Thành Đạt tĩnh lặng đến lạ thường. Bãi tập kết hàng hóa XNK của cảng Thành Đạt diện tích rộng hàng nghìn mét vuông, có tường rào bảo vệ… hiện có đến hàng trăm container xếp chồng cao 2-3 tầng đang nằm bất động, vẫn còn nguyên kẹp chì niêm phong hải quan.
ông Nguyễn Vũ Thắng, Phó Giám đốc Điều hành cảng Thành Đạt cho hay, những tháng gần đây cảng Thành Đạt hoạt động cầm chừng. Bình thường cảng là nơi đáp ứng nhu cầu lưu trữ hàng hóa của 4-5 DN có trụ sở đóng trong địa bàn tỉnh chuyên kinh doanh mặt hàng lốp ô tô đã qua sử dụng, hàng hóa, quần áo cũ… theo loại hình TN-TX. Thế nhưng hiện nay lượng hàng tập kết tại đây giảm hẳn chỉ còn lác đác “chợ chiều”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, do khó khăn từ phía DN và chính sách quản lí đối với hàng hóa kinh doanh TN-TX được thắt chặt hơn.
Nằm cách cảng Thành Đạt chừng 500 mét là địa điểm kiểm tra hàng hóa XNK cảng Trí Thành. Mọi hoạt động tại đây cũng diễn ra tương tự. Theo một số cán bộ hải quan, những tháng gần đây mọi thủ tục hải quan chỉ dừng lại ở việc theo dõi, giám sát hàng hóa.
Siết chặt quản lí
Nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Quảng Ninh, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã căn cứ vào tình hình thực tế để có phương án quản lý đối với hàng hóa TN-TX lưu giữ tại Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Theo các mục đích, yêu cầu như đảm bảo tốt công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về hải quan theo đúng quy định của pháp luật đối với hàng hóa TN-TX đang lưu giữ tại Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái chờ TX. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các DN, góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn.
Theo ông Phạm Quốc Hưng, Chỉ thị 23/CT-TTg đã chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp quản lí của cơ quan Hải quan từ cửa khẩu TN đến cửa khẩu TX, đặc biệt đối với cơ quan Hải quan. Kể từ thời điểm 30-9 trở lại đây, lượng hàng hóa kinh doanh TN-TX (chiếm tới 80% tổng số hàng hóa qua địa bàn) đã giảm tới 70%.
Chi cục chú trọng phổ biến, quán triệt đến mỗi CBCC trong từng khâu nghiệp vụ cụ thể nắm vững nghiệp vụ triển khai đúng quy định. Đặc biệt, lãnh đạo Chi cục, tổ, đội nghiệp vụ thường xuyên luân phiên kiểm tra tác phong làm việc và quá trình thực hiện quy trình nghiệp vụ ngay tại các dây chuyền thủ tục, các kho ngoại quan, địa điểm kiểm tra hàng hóa; áp dụng các phương tiện kĩ thuật trong quá trình kiểm tra, giám sát hàng hóa và theo dõi quá trình ra, vào của các hãng tàu tại các kho, cảng, từ đó lượng hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ.
Thông qua quá trình theo dõi, đã tạo điều kiện cho việc tổng hợp thông tin từ thực tế, từ đó xây dựng kế hoạch, lập phương án quản lí tốt hơn.
Theo Vinanet