Chiều 5-9, trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Văn Cẩn - phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - thừa nhận hàng tạm nhập tái xuất đang gây nhiễu môi trường kinh doanh của VN do không tái xuất mà được tiêu thụ trong nội địa.
Theo ông Cẩn, hàng tạm nhập tái xuất chủ yếu là hàng đông lạnh, hàng thiết bị văn phòng cũ, hàng nhựa phế liệu... “Qua khám xét 280 container quá thời hạn làm thủ tục hải quan thì có tới 139 container là nhựa phế liệu, ăcquy chì đã qua sử dụng. Hàng chục tấn nội tạng như lòng bò, gà, dạ dày... đã quá hạn sử dụng không được tái xuất ra khỏi VN” - ông Cẩn nói.
Ông Cẩn cho biết doanh nghiệp dùng đủ mánh khóe để tiêu thụ hàng tạm nhập tại thị trường nội địa. Chẳng hạn, gần 310 tấn đường tinh luyện Hàn Quốc được Công ty CP TM Hải Thịnh Hưng (Hải Phòng) khai tạm nhập, nhưng tái xuất là hàng bột khoai tây. Việc kiểm soát hàng tạm nhập tái xuất khó khăn nhất hiện nay là mặt hàng xăng dầu do khó phân biệt giữa hàng nhập tiêu thụ nội địa và hàng tạm nhập tái xuất. Bộ Tài chính và Bộ Công an đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc tạm ngừng tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng xăng dầu bằng đường biển.
Ông Cẩn cho biết Bộ Tài chính vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi các quy định liên quan đến hoạt động tạm nhập tái xuất. Theo đó, thời gian hàng tạm nhập tái xuất được lưu giữ ở VN cần rút ngắn xuống còn 30 ngày thay vì 195 ngày như hiện nay, chỉ cho phép cửa khẩu chính mới được vận chuyển hàng tạm nhập tái xuất... Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công thương ban hành danh mục cấm kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất đối với các chất thải nguy hại, danh mục tạm ngừng tạm nhập tái xuất đối với hàng đã qua sử dụng và thực phẩm đông lạnh.
Theo TTO