Ngày 18-9-2012, Tại TP.HCM, Bộ NN&PTNT phối hợp với Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức hội thảo “Giải pháp cho ngành chế biến gỗ trong giai đoạn kinh tế suy thoái”. Đến dự hội thảo có ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; bà Phan Thị Thanh Minh, Vụ trưởng - trưởng cơ quan đại diện Bộ Công thương tại TP.HCM; ông Đinh Ngọc Minh, Vụ phó vụ kinh tế nông nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện hơn 80 doanh nghiệp chế biến gỗ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HAWA cho biết ngành đồ gỗ Việt Nam đang đứng trước thời cơ rất lớn để trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Từ một nước ít được biết đến hiện nay xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã vươn lên hàng thứ 6 trên thế giới. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 3,955 tỷ USD, tăng 15,13% so với năm 2010. Trong tháng 7, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 380 triêu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2012 lên 2,6 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.
Hầu hết các thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn đều tăng trưởng mạnh. Trong đó, thị trường Mỹ tăng trưởng 31,2%, Trung Quốc tăng 24,3%, Nhật Bản tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2011. Gỗ và sản phẩm gỗ chế biến đã và đang trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Không những vậy ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển khi Trung Quốc hiện không khuyến khích phát triển ngành chế biến gỗ ở các tỉnh ven biển mà muốn đưa ngành này vào sâu trong nội địa khiến chi phí tăng lên nhiều, làm cho nhiều doanh nghiệp đồ gỗ dư định rời bỏ nước này. Ở Malaysia, hiện đang thiếu nhân công trầm trọng nên việc phát triển ngành này càng khó khăn. Cùng với đó, suy thoái kinh tế khiến người tiêu dùng ở các nước phát triển hướng đến các sản phẩm có giá rẻ hơn và họ nhắm đến các sản phẩm sản xuất từ Việt Nam.
Tuy nhiên ông Nguyễn Mạnh Dũng, Cục nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết chất lượng tăng trưởng thấp và không bền vững. Tăng trưởng của cả ngành chế biến nông lâm sản nói chung và ngành chế biến gỗ nói riêng trong giai đoạn qua chủ yếu dựa vào xuất khẩu nhưng phần lớn là gia công, phụ thuộc nhiều vào sự đặt hàng và thiết kế mẫu của khách hàng nước ngoài. Hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp có thể chủ động đầu tư công nghệ, thiết bị và có khả năng tự sản xuất theo thiết kế và có thể tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng.
Cũng tại buổi hội thảo này, ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết vừa qua ông có chuyến tham quan các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ ở Italia. Ông nhận thấy khủng hoảng toàn cầu khiến nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ ở đây gặp khó khăn nên họ đang rao bán các dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại với giá rất rẻ. “Đây là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đổi mới và nâng cao công nghệ”, ông Thắng nói.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng để ngành gỗ Việt Nam ngày càng phát triển nhanh và bền vững, các doanh nghiệp chế biến gỗ cần chú ý phát triển thị trường nội địa, đầu tư vào khâu thiết kế, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm và đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu, tạo điều kiện cấp chứng chỉ rừng (FSC)…
THANH LONG