|
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) 10 tháng qua đã giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 2,1 tỷ USD.
Kết quả này không chỉ tác động xấu đến việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2012, các doanh nghiệp dệt may còn lo ngại về khả năng đơn hàng tiếp tục giảm trong năm 2013.
Mặc dù có khách hàng lâu năm từ EU, nhưng khủng hoảng kinh tế đã khiến những nhà xuất khẩu dệt may Việt Nam bị sụt giảm đơn hàng sang thị trường truyền thống này. Đặc biệt, các nhà nhập khẩu EU đang chuyển dần đơn hàng từ Việt Nam sang Campuchia, Lào và Bangladesh nhằm tránh mức thuế nhập khẩu 10% để tiết kiệm chi phí, do những quốc gia này còn được hưởng tiêu chuẩn Tối huệ quốc (MFN) với mức thuế suất nhập khẩu 0%.
Theo Vitas, để mục tiêu xuất khẩu không bị ảnh hưởng, một cách mà các doanh nghiệp dệt may hiện nay cần quan tâm là thay vì ngồi chờ các nhà thương mại, nhà nhập khẩu truyền thống, doanh nghiệp phải trực tiếp tìm gặp những khách hàng mới, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, trong đó quan tâm nhiều hơn tới các khách hàng Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... đồng thời tăng cường xuất khẩu sản phẩm sợi sang thị trường Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Ðông, châu Phi.
Bên cạnh đó, Vitas còn hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như veston, sơmi, quần âu cao cấp và tích cực đầu tư, chuẩn bị điều kiện phát triển cũng như cạnh tranh xuất khẩu ngay sau khi kinh tế thế giới có tín hiệu hồi phục.
Các khách hàng Nhật Bản đã đàm phán với một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam về việc tăng năng lực sản xuất đơn hàng ở thị trường Việt Nam lên cao hơn. Đây được xem là cơ hội lớn cho dệt may Việt Nam để có thể bù đắp khoảng thiếu hụt ở các thị trường khác.
Hiện, ngành đã tiếp tục đầu tư vào khâu công nghiệp nguyên phụ liêu; nâng cấp các nhà máy vải với chủ trương không đầu tư mới nhiều nhưng tập trung vào việc nâng cấp chất lượng vải chuẩn để làm ra hàng xuất khẩu với chất lượng cao.
Cùng đó, ngành dệt may đang tiếp tục triển khai chương trình sản xuất xơ polyester với mục tiêu đến năm 2015 sẽ chủ động được 70-80%. Đây là chiến lược bứt phá về những sản phẩm cốt lõi có giá trị gia tăng cao và sẽ tạo nên một động lực cho ngành dệt may phát triển để thực hiện thành công mục tiêu trong giai đoạn 2012-2015.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đang nỗ lực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm khai thông thị trường những tháng cuối năm, nhất là tại các thị trường tiềm năng như Hong Kong, Thái Lan, Malaysia và đưa ra các dự báo về thị trường, cảnh báo về việc thay đổi chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng… tại các thị trường nên các doanh nghiệp cần tận dụng và theo sát để có kế hoạch và thay đổi kịp thời.
Theo Vietnam+
|