Hội thảo Cơ hội tiềm năng để đẩy mạnh quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Ấn Độ và giao lưu thương mại doanh nghiệp 2 nước do các cơ quan xúc tiến thương mại, đầu tư của Việt Nam, Ấn Độ phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại TPHCM. Sự kiện này diễn ra trong không khí Việt Nam - Ấn Độ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kỷ niệm 5 năm quan hệ đối tác chiến lược.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thương mại 2 nước đã đạt tăng trưởng cao trong thời gian qua, năm 2011, thương mại hai chiều đạt 3,9 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với 5 năm trước. Dự kiến năm 2015, thương mại hai chiều sẽ đạt 7 tỷ USD. Ấn Độ hiện là 1 trong 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, song Việt Nam phải nhập siêu từ Ấn Độ, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 0,3% so với tổng nhập khẩu của Ấn Độ.
Một trong những nguyên nhân của hạn chế này là doanh nghiệp 2 nước chưa coi đây là thị trường trọng điểm của nhau; dù đã theo lộ trình giảm thuế của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ, song thuế suất của Ấn Độ vẫn ở mức cao, bình quân khoảng 30%.
Hiện thương mại ASEAN - Ấn Độ đạt khoảng 80 tỷ USD. Từ ngày 31-12-2013, Ấn Độ cam kết sẽ cắt giảm thuế quan xuống 0% cho hơn 60% dòng thuế hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đến năm 2016 sẽ tăng lên hơn 70% dòng thuế. Thời gian cam kết của Việt Nam dài hơn, đến năm 2018, 60% dòng thuế hàng hóa của Ấn Độ vào Việt Nam sẽ giảm 0%, đến năm 2012 sẽ tăng lên 80% dòng thuế. Quá trình đàm phán những mặc hàng “nhạy cảm” cũng là thế mạnh của 2 nước như chè, cà phê, tiêu, thủy sản, may mặc… lộ trình cắt giảm thuế sẽ thực hiện từ năm 2019.
Tuy nhiên, theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương Việt Nam, hiện nay nhiều mặt hàng thế mạnh của Ấn Độ như thức ăn gia súc, hóa chất, thiết bị… nhập khẩu vào Việt Nam đã được cắt giảm thuế, còn mức 0% - 9%.
Theo SGGP