Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2012 đạt khoảng 6,18 tỷ USD, tăng gần 1% so năm 2011, tuy nhiên không đạt chỉ tiêu 6,5 tỷ USD như kế hoạch đề ra. Có nhiều khó khăn vây chặt ngành thủy sản như thị trường xuất khẩu gặp trở ngại, giá giảm, dịch bệnh hoành hành trên diện rộng khiến người nuôi và doanh nghiệp lao đao. Làm thế nào để phát triển bền vững nghề nuôi và xuất khẩu thủy sản...
Doanh nghiệp và người nuôi đều khó
Mấy ngày nay giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL bất ngờ giảm thê thảm. Chiều 18-12, cá tra loại 1 chỉ còn 21.000 đồng/kg, cá loại 2 giá dưới 20.000 đồng/kg nhưng không ai mua, với giá này người nuôi lỗ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Khắc Phục, hộ nuôi cá tra chuyên nghiệp ở thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) chua chát: “Thông thường vào dịp cuối năm, lễ Noel, Tết Dương lịch… nhu cầu tiêu thụ cá tra phi-lê trên thế giới tăng cao và giá xuất khẩu cũng tăng theo. Tuy nhiên năm nay mọi chuyện trái ngược, giá cá tra đảo chiều giảm liên tục vào thời điểm này khiến người nuôi trở tay không kịp. Hiện thời cá đẹp, trọng lượng dưới 650 gram/con thì doanh nghiệp mới chịu mua giá 21.000 đồng/kg; trong khi cá từ 700 - 750 gram/con trở lên không thể bán được. Tình hình này người nuôi chết trắng”. Theo ông Phục, ngoài chuyện mua giá rẻ mạt hoặc không mua, các doanh nghiệp còn áp dụng chiêu nợ tiền cá từ 30 - 45 ngày mới chịu thanh toán.
Theo Bộ NN-PTNT, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 5.470ha nuôi cá tra, trong đó 3.844ha đã thu hoạch với năng suất trung bình 279 tấn/ha, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 26 tấn/ha. Do thị trường xuất khẩu gặp trở ngại nên giá giảm, sức tiêu thụ chậm, từ đó ảnh hưởng giá cá nguyên liệu trong nước giảm theo. VASEP cho biết thêm, tổng số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra hiện nay chỉ khoảng 160 doanh nghiệp, giảm 30% số lượng so năm 2011. Trong số này, chỉ có chừng 20% doanh nghiệp duy trì được xuất khẩu ổn định, hàng loạt doanh nghiệp còn lại hoạt động cầm chừng.
Đối với con tôm cũng gặp nhiều cái khó. Dự báo xuất khẩu tôm cả năm 2012 đạt khoảng 2,2 tỷ USD, giảm 8,3% so năm 2011. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ giảm 16%; EU giảm hơn 25%; ASEAN giảm 21,5%; Canada giảm 13,8%... Đối với người nuôi tôm trải qua một năm ảm đạm khi diện tích tôm chết lên đến 100.776ha, gây thiệt hại rất lớn. Đáng lo ngại là dịch bệnh trên tôm ngày càng phức tạp và bùng phát lan rộng, nhưng đến nay mọi nỗ lực dập dịch của các ngành chức năng vẫn bất thành. Điều này khiến người nuôi tôm hoang mang, đồng thời đe dọa việc phát triển của nghề nuôi tôm.
Loay hoay tìm giải pháp?
Nghề nuôi và xuất khẩu thủy sản là thế mạnh của vùng ĐBSCL nói riêng và nước ta nói chung. Song, mọi việc diễn ra lâu nay vẫn còn mang tính tự phát, thiếu định hướng, quy hoạch, quản lý, liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp. Chuyện doanh nghiệp cạnh tranh lẫn nhau bán phá giá, làm hàng kém chất lượng, tự hại nhau; trong khi người nuôi cá tra bị đè giá, thường xuyên bán cá dưới giá thành sản xuất; còn người nuôi tôm liên tục trắng tay vì dịch bệnh… Tất cả diễn ra hàng ngày như cơm bữa, thế nhưng các giải pháp ngăn chặn và xử lý rất chậm và chưa đủ công hiệu.
Để tái lập lại trật tự việc nuôi và xuất khẩu cá tra, trả lại giá trị thực cho cá tra. VASEP vừa có công văn gửi Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ quy định sản xuất và xuất khẩu cá tra là ngành đặc thù có điều kiện, chỉ những doanh nghiệp có nhà máy đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mới được trực tiếp xuất khẩu cá tra. Mạnh tay loại bỏ những doanh nghiệp không đủ điều kiện, làm ăn chụp giựt, bán phá giá, phá thị trường. Cân đối hợp lý giữa cung cầu trong việc nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, tránh tình trạng thừa nguyên liệu, rớt giá gây thiệt cho nông dân. Đối với người nuôi phải có vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật, nằm trong vùng quy hoạch và gắn kết đầu ra với nhà máy; hạn chế tối đa trường hợp nuôi nhỏ lẻ, tự phát.
Theo Bộ NN-PTNT, kế hoạch thả nuôi vụ nuôi tôm nước lợ năm 2013 khoảng 655.000 ha. Để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát, Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh tổng kiểm tra chất lượng các loại chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất tôm, nghiêm cấm kinh doanh các loại chế phẩm không đảm bảo chất lượng; đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống. Đẩy mạnh nuôi tôm theo mô hình VietGAP, nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng cho những thị trường xuất khẩu khắt khe trên thế giới.
Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú cảnh báo, mặt hàng tôm xuất khẩu sang Nhật Bản đang bị nhiều hàng rào kỹ thuật, từ đó khiến giá tôm nguyên liệu trong nước giảm mạnh. Con tôm Việt Nam đang khó cạnh tranh trên thế giới vì giá thành quá cao. Trước tình hình này, nếu như năm 2013 Hàn Quốc cũng áp dụng rào cản kỹ thuật sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Các nhà chuyên môn cho rằng, để ngành thủy sản phát triển bền vững cần có chính sách khuyến khích sản xuất theo chuỗi giá trị, với quy trình kỹ thuật cao. Người nuôi liên kết lại hình thành tổ hợp tác, HTX gắn với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Qua đó, sản xuất đúng kỹ thuật, đúng hợp đồng, thời vụ thu hoạch… sẽ đảm bảo chất lượng, tăng được năng suất, bán giá cao. Ngược lại, nếu người nuôi cứ mãi tự bơi, còn doanh nghiệp thì mạnh ai nấy làm, không tìm được tiếng nói chung sẽ khó phát triển được.
Theo SGGP