|
Ngày 7-1, tại TPHCM, phát biểu tại buổi tổng kết xuất khẩu gạo năm 2012, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, năm 2013 thị trường chính của hạt gạo Việt Nam vẫn là châu Á (chiếm 71% tổng lượng gạo xuất khẩu), bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines… Kế đến là thị trường châu Phi (khoảng 23%), chủ yếu xuất gạo chất lượng cao (loại 5% tấm, gạo thơm…). Nhưng việc xuất khẩu quý 1 năm nay sẽ khó khăn hơn cùng kỳ năm 2012, đặc biệt là tháng 1 và 2, do chưa có hợp đồng tập trung để giữ giá và chỉ có Trung Quốc mua hàng, nên tính cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt giữa các nước.
Trong số hơn 700.000 tấn gạo được ký chuyển từ năm 2012 sang, hợp đồng từ Trung Quốc chiếm khoảng phân nửa. Năm 2012, thị trường này có lượng hợp đồng bị hủy cao nhất, khoảng 600.000 tấn. Vì vậy, dù là thị trường tiềm năng và là nước nhập khẩu lớn nhất gạo Việt Nam trong năm 2012, nhưng phải thận trọng vì tính rủi ro cao nếu không am hiểu, đặc biệt là khi giá giảm và chậm trễ khi làm thủ tục. Trong khi Philippines tháng 4 mới mua hàng, còn Indonesia và Malaysia phải tháng 9 hoặc quý 4 mới mua thêm. Vì vậy, việc xúc tiến thương mại tìm thêm thị trường mới là điều quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Angimex (An Giang) cho biết, thị trường Nhật Bản khá tiềm năng, nhưng cần kiểm soát tốt dư lượng hóa chất, với 593 chỉ tiêu. Nhu cầu của Nhật Bản hàng năm khoảng 700.000 tấn gạo thông qua đấu thầu. Hiện nay Thái Lan vẫn là nước cung cấp chính thị trường này. Sau 3 năm gián đoạn, năm 2012 Angimex đã trúng thầu và xuất khẩu trở lại thị trường khó tính nhưng tiềm năng này. Nếu khuyến cáo bà con nông dân tuân thủ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát được dư lượng hóa chất sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường này sẽ giúp nâng cao giá gạo xuất khẩu bình quân lên.
Chỉ trong quý 1 phải giải quyết 4,6 triệu tấn gạo hàng hóa, nhưng dự kiến chỉ xuất khẩu khoảng 1,4 triệu tấn; còn lại 3,2 triệu tấn. Do vậy, tạm trữ được xem là giải pháp trước mắt cần thực hiện để giữ giá không bị giảm sâu. VFA cho rằng, Bộ NN-PTNT sớm kiến nghị Chính phủ mua tạm trữ ngay 1,5 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2012 - 2013 càng sớm càng tốt. Kinh nghiệm những năm qua, đặc biệt là năm 2012 cho thấy, chỉ khi nào nhà nước công bố việc mua tạm trữ thì nhà nhập khẩu mới chịu ngồi vào bàn đàm phán và chốt giá. Vì vậy, không nên chần chừ. Có thể nói, đây là lượng mua tạm trữ một vụ cao nhất nhiều năm qua, khi thông thường chỉ mua khoảng 1 triệu tấn vụ đông xuân và 500.000 tấn gạo vụ hè thu.
Bộ Tài chính đã công bố giá thành bình quân vụ đông xuân là 3.616 đồng/kg lúa, cộng với 30% lợi nhuận và một số chi phí khác, VFA bảo đảm mua lúa của nông dân vụ đông xuân này không dưới 5.000 đồng/kg. Theo Bộ Công thương, do hiện nay quy chế tạm trữ vẫn trong quá trình góp ý nên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, vẫn theo cách đã làm hàng năm, để các doanh nghiệp tạm thời mua gạo tạm trữ.
Theo SGGP
|