Tiêu thụ quá chậm, tồn kho tăng hàng ngày, giá bán lại liên tục giảm…, ngành mía đường đang nhấp nhổm từng ngày chờ được xuất khẩu để giảm áp lực về tồn kho, về giá đường cũng như giá mía.
Giá xuống dưới 14.000 đ/kg
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, do sản lượng tiếp tục gia tăng trong khi tiêu thụ lại chậm, nên lượng đường tồn kho hiện đang khá nhiều. Trong tuần từ 15-21/1, đã có thêm 2 nhà máy đường (NMĐ) vào vụ sản xuất 2012/13 là Tuy Hòa và Khánh Hòa. Như vậy, đến thời điểm này, chỉ còn lại 1 NMĐ chưa vào vụ. Trong tuần qua, các NMĐ ép được 697.137 tấn mía, sản xuất 67.152 tấn đường. Tính ra từ đầu vụ đến nay, các NMĐ đã ép 6.869.182 tấn mía, sản xuất 578.617 tấn đường (không bao gồm đường thô nhập khẩu và đường thô trong nước cung cấp cho các nhà máy luyện).
Lượng đường tồn kho đến ngày 21/1 là khá lớn. Tồn kho tại các NMĐ lên đến 249.742 tấn (kể cả đường thô). Tồn kho tại các Cty thương mại là thành viên của Hiệp hội Mía đường là 11.043 tấn. Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường cho hay, tồn kho lớn là do sức tiêu thụ đường đang khá chậm. Tháng 1 này là tháng cận Tết, sức tiêu thụ đường có tăng so với tháng trước nhưng ước tính cũng chỉ khoảng vài chục ngàn tấn. Trong khi đó, lượng đường sản xuất ra vẫn đang tiếp tục tăng mạnh bởi tháng 1 và 2 là những tháng cao điểm về sản xuất đường, với sản lượng có thể lên tới 300 ngàn tấn/tháng.
Tồn kho tăng hàng ngày đã tiếp tục gây sức ép rất lớn lên giá bán đường. Mấy tuần nay, giá đường kính trắng do nhiều nhà máy bán ra đã xuống dưới mức 14.000 đ/kg. Chẳng hạn, giá bán buôn đường kính trắng (có VAT) của NMĐ Phổ Phong hiện là 13.800 đ/kg, của NMĐ An Khê là 13.820 đ/kg…
Như vậy, kể từ năm 2009 đến nay, giá đường bán buôn của nhiều nhà máy lại mới ở mức dưới 14.000 đ/kg. Và giá đường bán buôn của các nhà máy nói trên đã gần tương đương với giá đường Thái Lan nhập lậu. Bởi vào ngày 21/1, giá đường lậu tại TP.HCM từ 13.600–14.200 đ/kg, tại biên giới Tây Nam từ 13.400–13.600 đ/kg, tại Lao Bảo 13.500 đ/kg, tại Đông Hà 13.900 đ/kg. Giá đường khó có xu hướng phục hồi trở lại khi mà giá đường trên thế giới cũng đang giảm mạnh. Giá đường trắng giao dịch tại London trong ngày 21/1 (giao tháng 3/2013) chỉ còn 492 USD/tấn, giảm tới 37,5 USD/tấn so với giá đường cũng giao tháng 3 nhưng được giao dịch vào ngày 16/11/2012.
Giá đường xuống thấp nên tiếp tục ảnh hưởng tới giá thu mua mía. Ở khu vực phía Bắc, từ ngày 9/1, Cty TNHH Mía đường Nghệ An Tate&Lyle đã phải giảm giá mua mía xô 30.000 đ/tấn xuống còn 870.000 đ/tấn. Nhưng đến tuần qua, Cty này đã hỗ trợ thêm 20 đ/kg đối với mía xô. Giá mía 10CCS ở các NMĐ Hòa Bình và Lam Sơn hiện ở mức 950 đkg... Ở khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, giá mía 10CCS tại ruộng của các NMĐ Phổ Phong, An Khê, Ninh Hòa và Tuy Hòa hiện là 900 đ/kg, của NMĐ Khánh Hòa là 920 đ/kg, của NMĐ Phan Rang là 928 đ/kg. Ở ĐNB, giá mía 10 CCS tại ruộng của NMĐ Biên Hòa – Trị An là 950 đ/kg, NMĐ Nước Trong là 1.100 đ/kg, NMĐ Biên Hòa – Tây Ninh là 1.150 đ/kg. Ở Cần Thơ, giá mía 10CCS tại ruộng là 940 đ/kg...
Được xuất khẩu càng sớm càng tốt
Trước tình hình đường tồn kho nhiều và trước những kiến nghị của Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Mía đường, Bộ Công thương đã tổ chức họp bàn về cơ chế xuất khẩu đường. Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường, Bộ Công thương đã đồng ý với đề nghị cho xuất khẩu đường của Bộ NN-PTNT cũng như Hiệp hội Mía đường nhưng có cân nhắc hơn về mặt số lượng. Cụ thể, Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Mía đường cùng đề nghị cho xuất khẩu 300 ngàn tấn, nhưng đại diện Bộ Công thương cho rằng trước mắt sẽ cho xuất khẩu đợt 1 là 100 ngàn tấn.
Hiện Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế xuất khẩu đường để giải quyết tồn kho đường hiện nay. Các nhà máy đường đang nhấp nhổm, sốt ruột trông chờ từng ngày quyết định cho xuất khẩu đường, bởi lượng đường tồn kho đang tăng nhanh tới mức không chịu nổi. Mặt khác, nhu cầu nhập khẩu đường của Trung Quốc đang cao. Hiện tại, giá đường kính trắng xuất khẩu nhỏ lẻ qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đang ở mức 14.900-15.100 đ/kg, cao hơn so với giá đường bán buôn của các nhà máy.
Theo NLĐ