Theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lượng vàng không phải hiệu SJC được xuất ra nước ngoài trong tuần này để chuyển đổi thành vàng khối, sau đó sẽ dập lại thành vàng SJC bổ sung cho các ngân hàng.
Đây là các loại vàng thương hiệu khác với SJC, do ngân hàng huy động từ phía người dân. Hiện nay các ngân hàng phải trả lại cho người gửi vàng bằng vàng SJC, cho nên ở các ngân hàng tồn một lượng vàng lớn cần chuyển đổi.
Nhưng do công suất kiểm đinh của SJC không đủ đáp ứng yêu cầu nên các ngân hàng đề xuất được tạm xuất vàng miếng, tái nhập vàng khối để SJC không cần kiểm định mà chỉ dập ra vàng miếng trở lại dưới thương hiệu SJC. Đề xuất này được trình Ngân hàng Nhà nước vào đầu tháng 11 năm ngoái.
Đề xuất này đã được chính phủ thông qua từ tháng trước, nhưng do Bộ Tài chính xem xét mức thuế, nên đã kéo dài thời gian công bố. Đến nay, Bộ Tài chính đã quyết định thuế suất cho hoạt động tạm xuất vàng miếng, tái nhập vàng khối là 0%. Nguồn lực vàng doanh nghiệp cần chuyển đổi sẽ do chính doanh nghiệp chịu mọi phí tổn. Ngân hàng Nhà nước không tham gia vào quá trình chuyển đổi này.
Trong tuần này, 3 ngân hàng tại TP HCM có số tồn quỹ lớn các loại vàng khác được phép tạm xuất, tái nhập. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ gửi thông tin hướng dẫn đến cho các ngân hàng để thực hiện đúng các quy trình.
Khi các ngân hàng thương mại được phép thực hiện nghiệp vụ này, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng sẽ giảm bớt lực cầu trên thị trường do các ngân hàng đã có thêm nguồn cung vàng để trả cho người dân, không cần phải mua thêm bên ngoài. Từ đó, giá vàng trong nước và thế giới có thể kéo gần khoảng cách.
Sau khi số điểm bán vàng miếng được thu hẹp theo Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, trong thời gian đầu có nhiều người dân đi bán, khiến khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới kéo gần lại, nhưng cũng vì giá xuống nên một số tổ chức tín dụng đã mua nhiều vào thời điểm đó để chuẩn bị tất toán trạng thái khiến cầu tăng trở lại, đẩy khoảng cách giá quay lại mức trên 3 triệu đồng mỗi lượng.
Theo VnExpress