Ngày 18-2, Pakistan và Trung Quốc đã ký thỏa thuận chuyển giao quyền quản lý hoạt động cảng chiến lược Gwadar của Pakistan cho Công ty Điều hành cảng hải ngoại Trung Quốc (OPHL) - động thái tạo điều kiện cho Bắc Kinh thiết lập một tuyến đường hàng hải an toàn để vận chuyển năng lượng. Ngoài ra, bến cảng này còn có thể trở thành một quân cảng tiềm năng trên Biển Arab, dẫn tới những quan ngại an ninh cho Ấn Độ.
Chính phủ Pakistan đã đồng ý chuyển giao quyền quản lý cảng Gwadar từ Công ty PSA International của Singapore cho Công ty nhà nước OPHL của Trung Quốc. Hiện cảng Gwadar hoạt động không hiệu quả do con đường kết nối bến cảng này đến mạng lưới đường bộ của Pakistan chưa được hoàn thành.
Mặc dù Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã chủ trì buổi lễ ký kết biên bản ghi nhớ việc chuyển giao này ngày 18-2, song chưa rõ khi nào việc chuyển giao thực sự sẽ diễn ra. Ông Zardari tuyên bố: "Hợp đồng điều hành cảng Gwadar đã chính thức được trao cho Trung Quốc, mở ra những cơ hội mới cho chúng ta và tạo ra động lực mới cho quan hệ Pakistan-Trung Quốc". Pakistan cho rằng thỏa thuận này sẽ giúp thiết lập hành lang thương mại và năng lượng mới, giúp Trung Quốc kết nối với Biển Arab và Eo biển Hormuz - cửa ngõ giúp vận chuyển 1/3 lượng dầu mỏ của thế giới.
Các chuyên gia cho biết, thỏa thuận trên sẽ giúp Trung Quốc rút ngắn hàng nghìn km quãng đường vận chuyển dầu mỏ và khí đốt mà nước này nhập từ châu Phi và Trung Đông. "Cảng Gwadar sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại không chỉ giữa Pakistan và Trung Quốc mà còn với toàn bộ khu vực", Tổng thống Zardari nói thêm.
Tuy nhiên, động thái này lại đang gây quan ngại lớn cho Ấn Độ trước nguy cơ bị Trung Quốc khép chặt vòng vây an ninh. Trong tuyên bố mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony cũng công khai bày tỏ quan điểm này khi nói rằng New Delhi đang theo dõi sát mọi động thái xung quanh việc chuyển giao quyền quản lý cảng nước sâu Gwadar cho Trung Quốc, quốc gia có ý đồ phát triển hàng loạt cảng vây quanh Ấn Độ.
Như để trấn an quốc gia láng giềng, Ngoại trưởng Pakistan Moazzam Ahmad Khan đã bác bỏ những quan ngại trên khi nói với các phóng viên: "Không có lý do gì để các quốc gia khác phải lo ngại về điều này".
Cảng Gwadar thuộc tỉnh Baluchistan, khu vực nghèo khó nhất của Pakistan. Mặc dù nơi đây có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào, nhưng do chịu tác động của các cuộc nổi dậy đòi ly khai và bạo lực sắc tộc nên kinh tế không thể phát triển. Tổng thống Pakistan Zardari từng nói việc xây dựng cơ sở hạ tầng quanh cảng Gwadar sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế không chỉ của Gwadar mà còn cho toàn tỉnh Baluchistan.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định Pakistan mới có thể thu được nguồn lợi từ thương vụ này với Trung Quốc, chí ít cũng phải sau khi hoàn thành các tuyến đường kết nối với các khu vực xung quanh.
Trong khi đó, đối với Trung Quốc, cảng Gwadar tuy nằm ở vị trí xa nhất về phía Tây trong số hàng loạt cảng biển được nước này đầu tư ở Nepal, Sri Lanka, Myanmar và sắp tới có thể cả Bangladesh, song lại có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo thành thế gọng kìm siết chặt đối thủ lớn của Trung Quốc là Ấn Độ. Đây chính là lý do tại sao các cảng trên được ví như "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc và có khả năng trở thành những căn cứ hải quân chiến lược của Bắc Kinh trong việc vươn mình ra những vùng biển lớn hơn.
Theo HQ Online