Ngày 21-3, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCMC) phối hợp cùng Hãng luật toàn cầu Mayer Brown JSM, tổ chức hội thảo “Đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại và tự vệ trước hàng nhập khẩu gây thiệt hại”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI-HCMC cho biết do hiện nay Việt Nam vẫn chưa được một số nước và vùng lãnh thổ công nhận là nền kinh tế thị trường nên khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam thường phải đối phó với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại.
Luật sư Mathew McConkey, thành viên phụ trách bộ phận Thương mại toàn cầu của Mayer Brown tại khu vực Châu Á cho biết thêm xu hướng sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại bởi các đối tác thương mại của Việt Nam đang gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp. Đây là một thách thức lớn của doanh nghiệp, trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài, nâng cao năng lực sản xuất – xuất khẩu…
Ông Mathew cho rằng để có thể vượt qua những rào cản này, tận dụng cơ hội mà quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, trước hết doanh nghiệp tìm hiểu rõ về các vấn đề liên quan đến phòng vệ thương mại, từng bước có chiến lược đối phó cụ thể, hiệu quả với từng thị trường, ngành hàng; đồng thời cần chú trọng mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý Nhà nước.
Bên cạnh phải đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, hiện nay các nhà sản xuất Việt Nam cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ sự gia tăng đột biến hàng nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng giá rẻ từ Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Hải, Công ty luật Mayer Brown JSM cho biết nếu chứng minh được việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu gây thiệt hại cho sản xuất trong nước thì Việt Nam cũng có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ tương tự. Tuy nhiên, từ trước đến nay Việt Nam chưa thể áp dụng bất cứ biện pháp phòng vệ thương mại nào. Vào năm 2008, Việt Nam đã điều tra để áp dụng biện pháp phòng vệ đối với mặt hàng kính nổi nhưng sau đó qua điều tra không có cơ sở để áp dụng biện pháp phòng vệ. Ngoài ra, tháng 12-2012, Việt Nam cũng đã điều tra để áp dụng biện pháp phòng vệ đối với mặt hàng dầu đậu nành tinh chế nhập khẩu. Hiện nay việc điều tra đang được tiến hành nên cũng chưa biết là có thể áp dụng được biện pháp phòng vệ đối với mặt hàng này hay không.
Theo ông Hải, sở dĩ Việt Nam chưa thể áp dụng các biện pháp phòng vệ để bảo vệ nền sản xuất trong nước vì hệ thống pháp luật và hàng lang pháp lý cho vấn đề này ở Việt Nam mới được xây dựng, còn thiếu sót. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng thiếu chủ động và kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, ông Hải cũng tin rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn các đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng vệ của các doanh nghiệp Việt Nam để bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Luật sư Mathew McConkey cho rằng xu hướng sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại với Việt Nam đang gia tăng.
Thanh Long