|
Trong số 5 hãng hàng không tư nhân thành lập ở Việt Nam từ năm 2007 tới nay, hiện chỉ có một hãng duy nhất còn đang hoạt động...
Báo Financial Times nhận định, các hãng hàng không muốn tồn tại được ở Việt Nam đã là rất khó, chưa nói gì đến làm ăn có lãi.
Trong một bài báo mang tựa đề “Vietnam: airlines ill-prepared for regional competition” (tạm dịch: “Các hãng hàng không của Việt Nam chưa sẵn sàng cạnh tranh khu vực”), tác giả Jake Maxwell Watts cho rằng, ngành du lịch của Việt Nam là một lĩnh vực rất hứa hẹn, nhưng các hãng hàng không của Việt Nam lại chật vật để tồn tại, chưa nói tới chuyện kiếm lợi nhuận.
Bài báo nêu rõ, trong số 5 hãng hàng không tư nhân thành lập ở Việt Nam từ năm 2007 tới nay, hiện chỉ có một hãng duy nhất còn đang hoạt động.
Air Mekong, hãng hàng không nhận vốn đầu tư từ công ty đầu tư bất động sản và thực phẩm BIM Group, mắc kẹt vì nợ tiền mua nhiên liệu và đã dừng dịch vụ từ tháng 2 năm nay. Trại Thiên Air Cargo đã dừng hoạt động do chi phí gia tăng, tương tự như hãng Indochina Airlines của nhạc sỹ Hà Dũng. Hãng Blue Sky Airway thì được cho là có kế hoạch về dịch vụ bay trực thăng, nhưng cho tới nay vẫn chưa thấy dịch vụ này đâu.
Financial Times cho rằng, các hãng hàng không mới mở ở Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, bên cạnh chi phí nhiên liệu cao, tình trạng thiếu phi công nội, và tỷ suất lợi nhuận thấp. Trong những ngành rất cần tới sự phát triển của các công ty tư nhân ở Việt Nam, trong đó có ngành hàng không, các công ty nhà nước vẫn chiếm ưu thế, bài báo viết.
Tác giả bài báo tỏ ra ngạc nhiên khi VietJet Air - hãng hàng không tư nhân duy nhất còn tồn tại được ở Việt Nam tới lúc này - mới chỉ bắt đầu bay vào cuối năm 2011 nhưng đến nay đã trở thành nhà bay lớn thứ nhì tại Việt Nam. VietJet Air hiện chiếm thị phần 15%, trong khi Vietnam Airlines chiếm 70%.
Vào cuối năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành 1 trong 10 quốc gia trong khu vực sáng lập nên Cộng đồng kinh tế Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á. Đây là một thỏa thuận tự do thương mại cho phép sự cạnh tranh lớn hơn giữa các hãng hàng không trong khu vực và tiếp cận rộng rãi hơn với các sân bay theo sáng kiến về Thị trường hàng không duy nhất ASEAN - một phần trong Chính sách bầu trời mở.
Ông Neil Dave, một nhà phân tích thuộc công ty tư vấn kinh doanh Frost & Sullivan, mới đây nhận định với giới truyền thông quốc tế rằng, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi “từ nhiều lựa chọn hơn về điểm đến, tuyến bay, mức giá vé phải chăng hơn… mà các hãng hàng không đem lại”. Nhưng ông Dave cũng cảnh báo rằng, tại một số quốc gia, ngành hàng không còn có quy mô nhỏ bé và đang phát triển có thể sẽ phải đương đầu với sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ trong khu vực và sẽ rất khó để tồn tại, cho dù có được nhà nước hậu thuẫn.
Mới đây, Lion Air, hãng hàng không lớn nhất của Indonesia đặt mua 234 máy bay Airbus, đánh dấu đơn hàng lớn nhất mà Airbus từng nhận được từ một hãng hàng không. Theo tờ Wall Street Journal, đơn hàng này khiến nhiều người lo ngại, số lượng máy bay chuẩn bị “đổ bộ” vào khu vực Đông Nam Á có thể vượt quá nhu cầu. Tờ báo này cho rằng, sắp tới, nhiều khả năng chỉ những hãng hàng không hiệu quả nhất mới có thể tồn tại, và những hãng tồn tại chưa chắc sẽ dám nhận giao hàng toàn bộ số máy bay đã đặt mua.
Financial Times đánh giá, Vietnam Airlines có thể vẫn ở trong cuộc chơi, nhưng đến nay vẫn chưa rõ hãng này đã sẵn sàng tới mức nào cho cuộc cạnh tranh khu vực. Thông tin về Vietnam Airlines không được công bố rõ ràng. Theo giới truyền thông trong nước, doanh thu năm 2012 của Vietnam Airlines là 2,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2011. Lợi nhuận đạt 3,3 triệu USD, tăng 239% so với năm 2011, nhưng chỉ đạt 20% so với mục tiêu đề ra ban đầu.
Vietnam Airlines có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm nay, với mức cổ phần bán ra là 25-35%, huy động khoảng 200 triệu USD. Đây là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu công ty sẽ hoàn tất vào năm 2015. Ngoài ra, hãng này cũng sẽ trải qua quá trình tinh giản tương tự như đối với nhiều doanh nghiệp quốc doanh quy mô lớn khác.
Kế hoạch IPO của Vietnam Airlines đã được đưa ra từ năm 2011 và không phải là công bố lần đầu. Nhưng các chi tiết của kế hoạch đã thay đổi, bao gồm thời điểm thực hiện. Bài báo đánh giá rằng, nếu muốn cạnh tranh được với các “đại gia” trong khu vực như AirAsia, Vietnam Airlines cần phải hoàn tất quá trình tái cơ cấu sớm nhất có thể.
Một tin tốt cho các hãng không của Việt Nam là lĩnh vực du lịch đang phát triển tích cực, cho dù còn với tốc độ chậm hơn mong muốn của ngành này. Năm 2012, Việt Nam đón 6,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 14% so với năm 2011, trong đó 5,5 triệu lượt khách đến bằng đường hàng không. Thống kê chính thức cho thấy, 2/3 trong số 6,8 triệu lượt khách quốc tế này là khách du lịch.
Việt Nam có thể mang tới cho du khách những bãi biển tuyệt đẹp, cạnh tranh với Thái Lan. Vấn đề nằm ở chỗ, không rõ liệu các hàng hàng không của Việt Nam hay các nhà bay trong khu vực sẽ đưa du khách tới Việt Nam để tận hưởng vẻ đẹp đó.
Theo Doanh Nhân
|