Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Trần Văn Phu, trong năm 2013, ngành Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với hệ thống các ngân hàng thương mại để thu thuế qua ngân hàng, triển khai giai đoạn 2 của đề án kết nối thông tin tích hợp tự động Thuế - Hải quan - Kho bạc - Tài chính.
Bước đầu đã thí điểm thành công việc áp dụng chữ ký số trong trao đổi thông tin giữa 4 ngành tại Quảng Ninh và chuẩn bị triển khai rộng rãi việc áp dụng chữ ký số trong toàn hệ thống.
Việc sử dụng chữ ký số trong trao đổi thông tin giữa ngành Thuế với cơ quan như: Kho bạc, Hải quan, Ngân hàng sẽ giúp việc quản lý tập trung toàn bộ số liệu thu thuế trên toàn quốc.
Tổng cục Thuế đã tổ chức đào tạo cho đội ngũ CBCC tại các cục thuế, chi cục thuế đang làm công tác nhận và đối chiếu dữ liệu bảng kê, chứng từ với KBNN, ngân hàng như: Quy trình nghiệp vụ trao đổi thông tin bảng kê chứng từ có gắn chữ ký số và quy trình trao đổi lệnh hoàn; truyền nhận bảng kê chứng từ điện tử có gắn chữ ký số giữa KBNN và các cơ quan Thuế, Hải quan, Tài chính.
Truyền thông tin Lệnh hoàn trả NSNN, lệnh hoàn trả kiêm bù trừ NSNN từ Thuế sang KBNN. Theo dõi tập trung tất cả các loại nghiệp vụ thu trên ứng dụng thu thuế của KBNN. Đảm bảo có thể cung cấp đầy đủ số liệu về thu cho cơ quan Thuế, Hải quan, Tài chính. Hướng dẫn cách thức phối hợp và tổ chức triển khai vận hành hệ thống trao đổi thông tin giữa 4 ngành Thuế, KBNN, Hải quan, Tài chính ...
Tính đến nay, ngành Thuế đã triển khai tại 50 tỉnh, thành phố với gần 203.000 DN tham gia khai thuế điện tử. Mục tiêu trong năm 2013, số DN khai thuế qua mạng Internet sẽ chiếm khoảng 80% số DN trong cả nước (tương đương 300 nghìn DN sử dụng chữ ký số khi kê khai thuế qua mạng và sử dụng các dịch vụ công của ngành Tài chính).
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, chữ ký số là một bước tiến giúp giảm áp lực về chi phí, thời gian, nhất là thời gian xếp hàng nộp báo cáo cho cơ quan Thuế. Bởi chữ ký số sẽ đem lại cho DN nhiều lợi ích như tiết kiệm chi phí giấy tờ, thời gian luân chuyển trong hoạt động quản lý công văn, giấy tờ, thư điện tử và giúp đẩy nhanh các giao dịch qua mạng trong khi vẫn đảm bảo độ an toàn và bảo mật thông tin.
Minh chứng cho sự tiện ích này, Phó Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT - Tổng cục Thuế Phạm Quang Toàn cho rằng, trước đây, ở các DN, con dấu thì do văn thư giữ, còn chữ ký là của lãnh đạo hoặc người ký thay/ủy quyền. Hiện nay 1 chữ ký điện tử của DN có thể thay thế cả con dấu và chữ ký tay. Bên cạnh đó, hiện hệ thống chứng thực của Việt Nam chưa cho phép ký offline.
Người đại diện pháp luật phải trực tiếp lên hệ thống để ký online. Để tháo gỡ bất cập cho vấn đề ủy quyền chứng thư số, cơ quan Thuế đang tạm quy định cho phép ký offline, nghĩa là người ủy quyền sẽ gửi hồ sơ cho người đại diện pháp luật giữ chữ ký số thực hiện việc ký điện tử, sau đó gửi hồ sơ cho cơ quan Thuế.
Hiện cả nước đã có 6 DN được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số gồm VNPT, Viettel, Nacencomm, FPT, Bkav và Thái Sơn. Trong thời gian tới sẽ mở rộng tới nhiều nhà cung cấp để người nộp thuế có cơ hội lựa chọn và sử dụng dịch vụ. Đối với giao dịch nội bộ giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính hoặc trong cùng hệ thống, giao dịch giữa cơ quan thu với các ngân hàng thương mại sử dụng hệ thống chứng thực chuyên dùng Chính phủ và chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp.
Theo vinanet