Xuất khẩu rau quả tươi đạt 829 triệu đô la Mỹ năm 2012. Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng 600 triệu đô la Mỹ là xuất khẩu bền vững còn lại có tới hơn 1/4 là xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Đây là ý kiến của đa số các đại biểu tham gia buổi họp bàn tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam diễn ra ngày 13-5 tại Hà Nội.
So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu rau quả do điều kiện khí hậu thuận lợi. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả hàng năm vẫn chưa tương xứng với tiềm năng đó.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát cho hay Hà Lan, diện tích chỉ gần bằng diện tích của ĐBSCL, trong đó một nửa diện tích chìm dưới mực nước biển, nhưng năm 2012 nước này xuất khẩu được tới 90 tỉ đô la Mỹ, trong đó rau và hoa 15 tỉ đô la Mỹ.
Ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT cho hay, xuất khẩu rau quả của chúng ta gặp nhiểu rào cản từ thủ tục giấy tờ đến chất lượng.
"Chỉ tính riêng thị trường Nhật Bản, hầu hết trái cây của Việt Nam được ghi vào danh sách cấm của Nhật Bản, phổ biến tới hơn 30 loại. Các nước như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có chuyên gia "nằm" tại Việt Nam để giám sát việc này và hầu như họ quyết định mọi việc xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang nước họ", ông Trung nói.
Một hạn chế nữa được các đại biểu đề cập đó là hiện Việt Nam vẫn chưa xác định mặt hàng trọng tâm và thị trường trọng tâm.
Bộ trưởng Cao Đức Phát gợi ý, Việt Nam nên hướng vào thị trường trái cây vùng ôn đới. Vì thế, chúng ta cần hướng đến các thị trường từ gần đến xa như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, rồi đến Đông Âu, EU, Canada, Mỹ...
Theo đó, Bộ NN-PTNT giao Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối phải căn cứ vào cơ cấu xuất khẩu trái cây trong 5 năm vừa qua để tìm ra mặt hàng và thị trường trọng tâm. Sau đó báo cáo Bộ trưởng trong tháng 5-2013.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online