Tránh chạm vào khu di tích Đàn Xã Tắc từng được khai quật, Hà Nội đề xuất phương án cầu vượt cong qua khu vực này, chếch về phía phố Nguyễn Lương Bằng.
Tại Hội nghị tham gia ý kiến phương án thiết kế nút giao thông Ô Chợ Dừa, ông Trần Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) - đại diện tư vấn, đã trình bày 6 phương án xây dựng cầu vượt tại nút giao Ô Chợ Dừa. Các phương án này không khác so với ý tưởng từng đưa ra lấy ý kiến các cơ quan ban ngành của Hà Nội từ đầu năm nay.
Tuy nhiên, phương án 2 cầu vượt đi trên vành đai 1 lệch về phía Tôn Đức Thắng được coi là tối ưu nhất đã không được nhiều nhà quản lý, chuyên gia đồng thuận lần này. Thay vào đó, nhiều ý kiến ủng hộ phương án 3 và 4 là cầu vượt đi trên vành đai 1 lệch về phía đường Nguyễn Lương Bằng cho dù kiến trúc cây cầu bị cong, gấp khúc.
Theo ông Trần Hữu Sơn, phương án 3 cầu vượt đi lệch về phía nam song đảm bảo yêu cầu lưu thông, khoảng cách với nhà dân nằm trong giới hạn tối thiểu và giải quyết được yêu cầu là bảo tồn Đàn Xã Tắc. Điểm hạn chế là cầu không đi thẳng mà bị uốn cong về phía nam.
Phương án 4 cầu vượt đi trên vành đai 1 giống phương án 3, có bổ sung một nhánh đi một chiều từ Khâm Thiên đi qua nút giao Ô Chợ Dừa, nhập vào cầu chính trên vành đai 1. Ông Sơn cho rằng, phương án 4 tạo thành chữ Y song cải thiện được không gian, kiến trúc đô thị mà vẫn bảo tồn được Đàn Xã Tắc.
Phương án 5 là xây dựng hầm chui theo vành đai 1, đi ngầm bên dưới khu vực bảo tồn Đàn Xã Tắc. Phương án 6 thiết kế cầu vượt theo hướng Tôn Đức Thắng cần giải phóng mặt bằng 4.000m2, ảnh hưởng 170 hộ dân. Hai phương án này không nhận được nhiều đồng thuận của các chuyên gia.
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội sử học Việt Nam, nhận xét, sau cuộc khai quật năm 2006 đã có 3 cuộc hội thảo, giới khoa học đều nhất trí đây là Đàn Xã Tắc. Phương án 1 và 2 sẽ xâm phạm khu di tích. Phương án 3, 4 về cơ bản không đụng chạm khu lõi, không vi phạm Luật di sản song một số móng cầu sẽ có thể động vào khu di tích, nên phải khai quật tiếp tục trước khi xây dựng.
Đồng quan điểm, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng bày tỏ, cầu vượt là giải pháp mang tính chất tình huống. Nếu chúng ta chỉ coi cầu vượt là cứu cánh duy nhất thì sẽ phát sinh hội chứng cầu vượt, thiếu căn cơ. Do vậy, thành phố cần dành nhiều diện tích đất hơn nữa cho giao thông, bớt xây dựng nhà cao tầng mới là giải pháp lâu dài.
"Làm đường hầm là căn bản nhưng chi phí quá lớn. Dù giải pháp nào đi chăng nữa thì có được sự đồng thuận của người dân là vấn đề căn bản. Cho dù cây cầu có uốn éo thì với lý do bảo vệ di sản có thể chấp thuận được", ông Dương Trung Quốc nói.
Phần lớn nhà quản lý cũng đồng tình phương án 4. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ gợi ý, khi lập dự án cần nghiên cứu kiến trúc, đặc biệt khu vực di sản phải tính toán khẩu độ lớn thông thoáng để có kiến trúc phù hợp, dầm thép, hộp vừa đảm bảo kiến trúc và tải trọng, cảnh quan khu vực.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia băn khoăn với phương án 4 khi cầu vượt được thiết kế hình chữ Y. GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, cho biết, ông phân vân phương án 4 vì nhánh cầu phía Khâm Thiên cũng nằm trong không gian Đàn và chưa biết móng cọc sẽ chạm vào di tích không. Ngoài ra, khu di tích Đàn Xã Tắc bị kẹp giữa 2 đường nên có thể không đẹp về kiến trúc.
"Đàn Xã Tắc ở Huế rộng tới 5,6 ha, đây mình mới chạm vào một phần Đàn nên không gian Đàn còn khá lớn, song với phương án 3 thì khu vực khoanh vùng bảo vệ thì ít bị ảnh hưởng nếu cầu đi về phía nam", ông Lưu Trần Tiêu bày tỏ.
Ông Trần Ngọc Long, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường, cũng cho biết, không hiểu tại sao lại phải có cái "râu" phía đường Khâm Thiên. Trên cơ sở giữ nguyên mặt cắt đường và phân luồng một chiều thì cảnh quan khu này này vô cùng khó nhìn.
"Tôi chưa thấy thuyết phục khi có nhánh chữ Y này. Đàn Xã Tắc bị kẹp giữa hai nhánh, tôi không đồng ý. Với phương án 3 cần hoàn thiện hơn nữa để tạo được cong uốn lượn, không gấp khúc", ông Long nhận xét.
Chốt lại cuộc họp, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, các ý kiến đều thống nhất khẩn trương xây cầu vượt tại nút giao này nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. Đàn Xã Tắc là di tích quốc gia, cần được bảo tồn tốt nhất trong điều kiện của địa phương, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo.
Hà Nội đã quyết định 5 tiêu chí là nút giao khác mức phù hợp quy hoạch, bảo tồn tốt nhất di tích Đàn Xã Tắc, đảm bảo phát triển giao thông đô thị và hạn chế giải phóng mặt bằng.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện phương án 3 và 4. Ngoài ra, cần nghiên cứu cảnh quan kiến trúc trong khu vực để nâng cao giá trị khu di tích, trở thành một điểm nhấn trong khu vực.
Ông Thảo cho biết, phương án được lựa chọn sẽ được lấy ý kiến cộng đồng dân cư 4 phường khu vực quận Đống Đa, trước khi báo cáo, xin ý kiến các Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng.
Theo VnExpress