|
Hoạt động thu hoạch lúa Hè-Thu tại đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ đạt mức đỉnh trong tháng 7 này.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần qua đã tăng nhẹ, một phần nhờ chương trình thu mua lúa gạo tạm trữ đối với vụ Hè-Thu. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan giảm xuống sau khi Chính phủ nước này cắt giảm giá thu mua lúa gạo tạm trữ.
Theo tin từ Reuters, giá gạo Việt Nam loại 5% tấm tuần qua tăng lên mức 370 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, từ mức 360-370 USD/tấn trong tuần trước đó. Giá gạo 25% đứng ở mức 340-345 USD/tấn, so với mức 340 USD/tấn trong tuần trước đó.
Một thương nhân ở Tp.HCM cho biết, khách hàng tiềm năng mua gạo Việt Nam hiện vẫn đang theo dõi ảnh hưởng của việc Thái Lan điều chỉnh giá thu mua lúa gạo tạm trữ, theo đó họ chưa vội thu mua mạnh trên thị trường, cho dù vụ thu hoạch lúa Hè-Thu đang tăng tốc ở Việt Nam.
Giá gạo Việt Nam tăng có thể nhờ chương trình tạm trữ mà Chính phủ đang thực hiện đối với vụ lúa Hè-Thu. Tuy nhiên, theo giới thương nhân, ảnh hưởng của chương trình này được cho là ở mức hạn chế bởi nhu cầu của thị trường ở mức thấp và những vấn đề liên quan tới chất lượng gạo.
“Chất lượng gạo của vụ Hè-Thu vẫn ở mức thấp, vì vậy các công ty hiện mới chỉ mua 10% khối lượng mục tiêu”, một thương nhân Việt cho biết.
Các công ty xuất khẩu gạo đã bắt đầu mua lúa gạo vụ Hè Thu theo chương trình được Chính phủ hỗ trợ và sẽ giữ số lúa gạo mua được trong 3 tháng để hỗ trợ giá.
Một số công ty đã ký được hợp đồng xuất khẩu gạo với khối lượng nhỏ sang châu Phi, nhưng các hợp đồng này không giúp ích được nhiều cho tâm lý của thị trường - theo giới thương nhân. Hoạt động thu hoạch lúa Hè-Thu tại đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ đạt mức đỉnh trong tháng 7 này. Các thương nhân nói, nhiều khách mua đang đợi giá giảm mới tiến hành mua.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm, do nhu cầu ảm đạm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu mới nhất từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước từ đầu năm đến nay đã vượt 1,5 tỷ USD. Trong tháng 6, xuất khẩu gạo cả nước đạt 698.199 tấn, trị giá FOB 293,132 triệu USD, trị giá CIF 306,757 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 3,485 triệu tấn, trị giá FOB 1,504 tỷ USD, trị giá CIF 1,575 tỷ USD.
Cũng theo VFA, giá lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tăng nhẹ khoảng 50 đồng/kg ở một số loại. Cụ thể, giá lúa khô tại kho loại thường dao động từ 5.000 - 5.100 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.200 - 5.300 đồng/kg.
Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.450 - 6.550 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.100 - 6.200 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.450 - 7.550 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.100 - 7.200 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 6.850 - 6.950 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Trái với gạo Việt, gạo Thái Lan tuần qua giảm giá nhẹ. Giá gạo trắng loại 5% tấm của nước này vào giữa tuần còn 520 USD/tấn (FOB), từ mức 530 USD/tấn vào tuần trước đó.
Mới đây, Chính phủ Thái Lan đã giảm giá mua thóc tạm trữ về mức 12.000 Baht (387 USD) từ mức 15.000 Baht trước đó nhằm hạn chế thua lỗ. Đây cũng là một biện pháp nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh cho gạo Thái trước gạo Việt Nam và Ấn Độ.
Theo dự báo của một số thương nhân Thái Lan, giá gạo xuất khẩu của nước này có thể giảm về mức 450 USD/tấn trong tháng 7 nếu Chính phủ Thái duy trì mức giá can thiệp hiện tại.
Động thái hạ giá thu mua thóc gạo tạm trữ của Bangkok đã khiến nông dân Thái bất bình. Hiện chưa rõ liệu mức giá mới sẽ chỉ áp dụng cho khoảng thời gian còn lại của niên vụ hiện tại kết thúc vào tháng 9 năm nay hay sẽ còn được áp dụng cho niên vụ tiếp theo bắt đầu vào tháng 10.
Theo VnEconomy
|