Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng giá trị gạo xuất khẩu vẫn thấp do chưa xây dựng được thương hiệu.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn gạo. Đây cũng là tín hiệu tích cực trong xuất khẩu gạo năm nay. Thế nhưng gạo xuất khẩu Việt Nam giá trị vẫn thấp và người tiêu dung thế giới ít biết tới.
Ông Bùi Huy Hoàng, tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho hay, năm 2015, gạo Việt Nam chiếm 54% tổng lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc nhưng khi ông dạo qua các siêu thị và cửa hàng bán lẻ gạo tại đất nước này thì không thể tìm ra gạo có xuất xứ hay thương hiệu Việt Nam. Trong khi đó, các đối thủ xuất khẩu gạo của Việt Nam như Thái Lan, Pakixtan, thậm chí là Campuchia đang vượt Việt Nam về xuất khẩu gạo chất lượng cao và xây dựng thương hiệu.
Theo ông Hoàng, vai trò của Hiệp Hội lương thực là nghiên cứu phối hợp với cơ quan thương vụ xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Định hướng xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ mở rộng thị trường sang Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu. Nhưng với cách thức làm ăn như hiện nay và chất lượng hạt gạo chưa cao, hạt gạo Việt khó thâm nhập được các thị trường này. Đối với 7 hoạt chất cấm trong gạo mà các nước đưa ra Việt Nam chưa có quy định cụ thể về danh mục và hàm lượng cho phép.
Thời gian qua, một số lô gạo xuất khẩu sang Mỹ đã bị trả về do kiểm tra không đạt yêu cầu. Trước tình trạng này, các doanh nghiệp cũng yêu cầu, Bộ Công thương đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gentraco kiến nghị Hiệp hội Lương thực và các tham tán thương mại tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp các thông tin về các chính sách về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, về kiểm dịch thực vật, lộ trình TPP đối với hạt gạo, chính sách thuế quan. Ông Kiên cho rằng cần hỗ trợ doanh nghiệp về tranh chấp thương mại, các rào cản kỹ thuật...
Trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp vẫn phải giữ 2 phân khúc thị trường là xuất khẩu sang Trung Quốc và xuất khẩu sang các thị trường cao cấp khác. Hiện nay, gạo chất lượng cao của Việt Nam chiếm 27% sản lượng xuất khẩu. Nhưng để mở rộng đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ, Hàn Quốc, Châu Âu… các doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam cần phải làm nhiều việc như đầu tư: khâu giống, chất lượng gạo sạch, làm cánh đồng mẫu lớn, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại. Những điều này, doanh nghiệp và nông dân rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực miền Nam, Tổng Giám đốc Công ty lương thực miền Nam cho biết: “Định hướng xây dựng chuỗi giá trị gắn với nâng cao chất lượng hạt gạo và tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo dự kiến quý 1 năm 2016 sẽ có kế hoạch rất cụ thể để đưa các doanh nghiệp của Hiệp hội ra phía trước để dẫn đắt thị trường gạo của Việt Nam trong thời gian tới.”
Về phía Bộ Công thương, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, thời gian tới tiếp tục tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nâng cao giá trị hạt gạo, giảm rủi ro trong xuất khẩu thông qua việc kết nối các đầu mối xuất khẩu, đổi mới cách xúc tiến thương mại. Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành chức năng tháo gỡ những vướng mắc khó khăn của các doanh nghiệp trong xuất khẩu, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Chúng ta phải kịp thời phối hợp với các nước sở tại thực thi các cam kết hội nhập, mở cửa thì sẽ có những hướng dẫn cho các doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam tiếp cận được thị trường này đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng của các quốc gia này”.
Xuất khẩu gạo nếu chỉ tập trung vào một thị trường lớn như Trung Quốc thì về lâu dài không phải là hướng đi bền vững, nhất là khi thị trường có biến động. Nhưng để nâng cao giá trị hạt gạo, xuất khẩu gạo vào các thị trường khó tính thì không cách nào khác nông dân, doanh nghiệp và các bộ ngành chức năng phải đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu gạo Việt./.
Theo VOV-TP HCM